Nỗi lo chi phí nuôi con
Ở góc độ của xã hội, đây là chủ đề khá thời sự, đang được các nhà quản lý, chuyên gia phân tích nguyên nhân, bàn các chính sách kêu gọi các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để đất nước nhanh chóng lướt qua nguy cơ già hóa dân số, không rơi vào “vết xe đổ” của một số quốc gia đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Tuy nhiên, mỗi gia đình cũng có cái lý để quyết định sinh một con, hay nhiều con, nhất là khi sống ở các thành phố lớn.
Vợ chồng người bạn tôi đều công tác trong cơ quan nhà nước, có thu nhập ổn định nhưng không cao. Cả hai chỉ có một con, bé Nấm năm nay lên 7 tuổi. Cứ mỗi khi chị gọi điện về quê là ông bà hai bên lại giục sinh thêm con để bé Nấm có chị có em. Chị cứ dạ vâng rồi để đó. Không phải anh chị không muốn sinh, tuổi 37 tuy đã lớn so với độ tuổi vàng sinh con, nhưng với sự tiến bộ của y học, việc sinh con không còn quá khó khăn, song chị chưa dám. “Chi phí nuôi một đứa đã hết một đầu lương, đầu lương còn lại đủ thứ phải lo, nhà cửa mua trả góp cũng còn phải trả chục năm, sinh đứa nữa thực tình kham không nổi”, chị rầu rĩ chia sẻ.
Tính ra đám bạn học đại học của tôi hầu hết đều có công việc, cũng có người thu nhập cao, nhưng chủ yếu là thu nhập trung bình, tạm đủ cho cuộc sống thị thành, bởi vậy mà phần lớn chỉ sinh một con. Nhắc đến chuyện sinh thêm con, ai cũng lắc đầu, bởi chi phí nuôi con chỉ là một phần, còn chuyện dạy dỗ, bảo ban con nên người trong xã hội ngày nay càng làm nhiều cặp vợ chồng ngán ngại.
Nội chuyện đưa rước con đi học cũng là câu chuyện nan giải. Ngày nào chị Nguyễn Bích Trâm (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng đưa con vào nhà hàng nơi chị làm việc, vừa làm vừa trông con. Chị làm thu ngân cho một nhà hàng món ăn 3 miền ở quận 10, chồng làm nhân viên kinh doanh một hãng máy lọc nước. Đặc thù công việc của anh chị vào buổi sáng khá thong thả, còn buổi chiều thì bận rộn nên việc rước con giờ tan học luôn là áp lực.
Ban đầu chị Trâm thuê người rước con mỗi chiều, lo luôn bữa tối cho con. Song, chi phí quá cao nên anh chị gồng được 2 tháng thì đứt, đành quyết định tự đưa rước, cơm nước cho con. Hôm nào anh có thời gian thì rước con về nhà hàng của vợ rồi đi làm tiếp, còn anh bận thì chị trông cậy vào bác xe ôm quen hay đậu đón khách trước nhà hàng. Thấy hoàn cảnh anh chị còn khó khăn nên quản lý nhà hàng cũng tạo điều kiện cho chị vừa làm vừa trông con. “Một đứa đã tất bật vậy, có hai đứa thì phải cắt cử hẳn một người ở nhà mà đưa rước con đi học. Như nhà tôi, hai vợ chồng đi làm mà chi phí tháng nào cũng thiếu trước hụt sau nên không dám nghĩ tới chuyện sinh thêm con, dù trong thâm tâm luôn ước có thêm đứa nữa”, chị Trâm trải lòng.
Thêm chính sách cho trẻ
Lý lẽ của các ông, các bà là “trời sinh voi sinh cỏ”. Đúng là với cuộc sống hiện nay, có việc làm thì nếu sinh thêm con cũng không đến mức bị đói, nhưng để đảm bảo cuộc sống ở mức trung bình cũng không phải dễ. Không chỉ là vấn đề tài chính, đi sâu tìm hiểu, có tới “trăm lẻ một” nguyên nhân khiến phụ nữ ngại sinh con, như: mục tiêu hưởng thụ cá nhân, ngại thức khuya dậy sớm, lo ảnh hưởng đến vóc dáng, công việc...
Gia đình anh Nguyễn Hữu Thắng (ngụ quận 3) thu nhập khá, cậu con trai đã lên 10 tuổi nhưng vợ anh tuyên bố không sinh thêm con. Vợ anh làm quản lý một khách sạn lớn tại TPHCM. Đợt sinh xong, chị phải chật vật lắm mới lấy lại dáng và phấn đấu lại từ đầu trong công việc. Trước khi sinh con, chị có 9 năm kinh nghiệm trong nghề và được đề cử vào một vị trí quản lý. Rồi chị có bầu, mọi cất nhắc tạm dừng. Sau sinh, chị mất thêm 4 năm mới trở thành quản lý - vị trí mà trước đây chị đã gần đạt được. Giờ lại sinh con đồng nghĩa với việc mục tiêu sắp tới của chị phải dời lại vài năm. Để tập trung sự nghiệp, chị tuyên bố thẳng với chồng và người thân sẽ chỉ có một con.
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, năm 2023, tỷ suất sinh trung bình của phụ nữ TPHCM trong độ tuổi sinh sản chỉ khoảng 1,32 con/phụ nữ, nằm trong nhóm thấp nhất cả nước. Đây là con số báo động. Tỷ suất sinh thấp không chỉ là câu chuyện của TPHCM, hay Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã phải áp dụng các chính sách để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con.
Con cái là niềm vui của cha mẹ. Nếu TPHCM nói riêng, cả nước nói chung đẩy mạnh các chính sách cho trẻ em, không còn cảnh bệnh viện, trường học quá tải; các dịch vụ cho trẻ có mức chi phí phù hợp, được sự hỗ trợ của nhà nước, chắc chắn các cặp vợ chồng sẽ mạnh dạn hơn trong sinh đẻ.
Trên các hội nhóm online, thi thoảng các chị, các mẹ liệt kê những khoản chi phí hàng tháng và thảo luận. Cũng có gia đình thu nhập cao, chi phí nhiều, có gia đình chi phí thấp hơn, nhưng về cơ bản, dù có tiết kiệm lắm thì mức chi của một gia đình có 2 con nhỏ ở TPHCM cũng không dưới 15 triệu đồng/tháng. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của TPHCM khoảng 6,51 triệu đồng/tháng; tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước là Bình Dương cũng chỉ ở mức 8,29 triệu đồng/tháng.