Ảnh hưởng kế hoạch sản xuất
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, thời điểm giá xăng tăng trùng khớp với thời điểm doanh nghiệp khan hiếm nguồn lao động. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động giảm hẳn quy mô, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phục hồi sản xuất trong thời gian tới.
Một lo lắng khác cũng được nhiều doanh nghiệp đặt ra là giá xăng tăng sẽ kéo theo giá nguyên liệu sản xuất tăng. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM, nhấn mạnh, chi phí xăng dầu chỉ chiếm khoảng 2%-3% trong cơ cấu giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, nhưng giá nguyên liệu sản xuất chiếm 80% giá thành sản phẩm. Và, theo hiệu ứng dây chuyền, việc tăng giá xăng có thể đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu tăng theo.
Ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, nhấn mạnh, hiện tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên đã nhận được thông báo tăng giá nguồn nguyên liệu sản xuất từ các nhà cung ứng. Mức đề xuất tăng trong thời gian tới là 5%-10%. Thực tế này đang đẩy doanh nghiệp vào thế khó do những đơn hàng xuất khẩu và cung ứng thị trường nội địa đã được chốt giá từ trước tết và không thể tăng giá trong bối cảnh hiện tại.
Với tình huống giá xăng tăng như hiện nay, doanh nghiệp một mặt giảm công suất sản xuất, mặt khác đang phải đàm phán lại các doanh nghiệp đối tác. Theo các doanh nghiệp, để giảm thiểu khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh nặng, Chính phủ cần có sự điều tiết giảm thuế, phí trong cơ cấu giá của xăng dầu nhằm chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp. Mặt khác, tăng nguồn dự trữ xăng dầu để ổn định giá bán cũng như tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung.
Sử dụng công cụ thuế, phí để kiểm soát giá
Báo cáo tại cuộc giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 22-2, đại diện Bộ Công thương cho biết, các doanh nghiệp, đầu mối kinh doanh xăng dầu đã và đang tích cực nhập khẩu để đảm bảo đủ nhiên liệu cho thị trường tiêu thụ trong nước, bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch).
Đấu giá 102 triệu lít xăng RON92 Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Bộ Công thương vừa xin ý kiến Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT về việc sẽ bán đấu giá một lô hàng xăng dự trữ quốc gia đang lưu kho của 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp. Theo đó, sẽ tổ chức bán đấu giá khoảng 102 triệu lít xăng RON92 (dùng để pha chế xăng sinh học E5 RON92) với giá khởi điểm tạm tính là 14.058 đồng/lít, số tiền thu được dự kiến thấp nhất là trên 1.433 tỷ đồng. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 này. VĂN PHÚC |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng nhập khẩu xăng dầu trong 15 ngày đầu tháng 2-2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000m3 (các tháng bình thường chỉ nhập khẩu khoảng 500.000m3) để bảo đảm cung ứng cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký. Theo nhận định, sang tháng 3-2022, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn sản xuất trong nước có thể vẫn thấp so với các tháng thông thường, do lượng cung ứng hàng từ sản xuất trong nước giảm mạnh trong tháng 2 và đầu tháng 3.
Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang vẫn bảo đảm, cùng với việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ ngày 15-3 và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất; đồng thời các thương nhân đầu mối tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nên nguồn cung sẽ không thiếu hụt. “Với tình hình cung ứng xăng dầu như vậy, cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung - cầu xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định”, đại diện Bộ Công thương cho biết.
Về việc giá xăng dầu có nguy cơ tăng cao hơn, ảnh hưởng đời sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp, Bộ Công thương cho biết, có thể sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu. Bộ Công thương cũng sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình nếu có hành vi găm hàng, không muốn bán ra, chờ tăng giá.
Cụ thể, tại Hà Tĩnh, chiều 22-2, ông Võ Viết Linh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu 15 triệu đồng đối với Cửa hàng xăng dầu Sơn Lĩnh (tại xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn) thuộc Công ty TNHH TM-DV Bảo Duy Hà Tĩnh. Trước đó, cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu 30 triệu đồng đối với Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Sơn Trà (tại thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn) thuộc Công ty TNHH Hương Huyền. Cả hai cửa hàng cùng có hành vi ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định.
Mở đợt điều tra, chống buôn lậu xăng dầu, than Chiều 22-2, Tổng cục Hải quan cho biết, đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan các địa phương tập trung nắm tình hình, triển khai nghiệp vụ kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, than trên các tuyến biên giới, vùng biển; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đối với mặt hàng xăng dầu, than diễn ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn quản lý, phụ trách mà không đề xuất biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. VĂN PHÚC |