Đối tượng vi phạm thường tập trung khai thác tối đa lượng khách hàng của thương hiệu lớn thông qua việc đặt tên miền mập mờ, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Việc kiện đòi thương hiệu cũng rất gian nan, có khi rơi vào bế tắc. Quy định dù đã có nhưng chưa rõ ràng, khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp muôn vàn khó khăn.
Nhái công khai, nhận giải thưởng “uy tín”
Câu chuyện bị nhái thương hiệu đã không quá xa lạ trong ngành du lịch. Phần lớn doanh nghiệp (DN) có tiếng trên địa bàn TPHCM đều nằm trong tầm ngắm nhái nhãn hiệu để trục lợi. Nỗi bức xúc này liên tục được các DN nêu ra tại hầu hết những cuộc họp lớn nhỏ liên quan tới phát triển du lịch Việt Nam, nhưng thực sự tính đến thời điểm này, vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn.
Kỳ lạ hơn, các DN nhái thương hiệu còn được cấp phép đăng ký kinh doanh ở một số tỉnh - thành, được nhận các giải thưởng “uy tín” về “dịch vụ, chất lượng hàng đầu”. Để minh chứng những gì phản ánh, lãnh đạo công ty H.B. chỉ rõ thương hiệu H.B. nhái ở TPHCM trưng các giải thưởng trên website nhằm quảng bá, thu hút khách hàng của thương hiệu chính.
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Cao trào của vụ việc là một số khách hàng ruột của H.B. chính thống đã tin tưởng, đặt dịch vụ của H.B. nhái. Tương tự, một H.B. nhái khác có trụ sở chính ở Hải Phòng đã đặt các văn phòng đại diện lần lượt tại TPHCM, Hà Nội…
Thế còn DN bị hại thì sao? Trao đổi với chúng tôi, hầu hết đều lắc đầu cho biết chấp nhận “sống chung với lũ”, do việc kêu ca, kiện cáo khắp nơi khiến họ thực sự mệt mỏi.
Giám đốc một DN bị hại bức xúc nói, đằng sau câu chuyện “không nghe, không thấy, chậm xử lý” DN bị hại đều thấp thoáng “ô dù, sân sau” của không ít lãnh đạo bộ, ngành. Vị giám đốc này cho biết mới được một cán bộ phụ trách đăng ký nhãn hiệu ra giá 50 triệu đồng để làm giúp giấy tờ (vì DN đã tới hạn đăng ký giấy chứng nhận nhãn hiệu lại).
“Chúng tôi muốn khách hàng được chăm sóc chu đáo, an toàn, hài lòng, và cũng không muốn kiện cáo mất thời gian, mệt mỏi. Tuy nhiên, không ít khách hàng lỡ mua trúng các sản phẩm tour du lịch không đảm bảo chất lượng từ công ty nhái, nên chúng tôi buộc phải lên tiếng để bảo vệ khách hàng cũng như thương hiệu của mình”, một lãnh đạo của Công ty Du lịch H.B. nói.
Còn theo bà B.T., giám đốc một hãng lữ hành tại TPHCM, thì không chỉ bị nhái thương hiệu, DN còn bị sao chép gần như nguyên bản các chương trình, lộ trình tour, đặc biệt là các sản phẩm mới công ty vừa nghiên cứu để tung ra thị trường.
Khó xử phạt (?!)
Qua trao đổi với các luật sư kinh tế tại một số trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn TPHCM được biết, thực tế này đã và đang tồn tại, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN nói chung, các thương hiệu du lịch nói riêng. Thế nhưng, cơ quan chức năng cũng rất khó xử lý. Bởi các quy định pháp luật còn quá nhiều kẽ hở, dễ bị lợi dụng.
Trao đổi về vấn đề này, GS-TS luật sư Nguyễn Văn Tài, Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Á Châu, nhận định các công ty du lịch nhái thương hiệu tên tuổi nêu trên đều gắn kèm một số từ như “travel”, “tourist”, “thương mại”, “truyền thông”… nhằm né Luật DN cũng như Nghị định 43/2010 về quy định trùng tên (hoặc gây nhầm lẫn).
Thêm nữa, do chưa có sự kết nối đồng bộ hệ thống mạng quốc gia, thiếu sự sàng lọc của từng địa phương nên doanh nghiệp nhái rất dễ dàng được cấp phép đăng ký kinh doanh.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho rằng DN kêu ca nhiều lần, phản ánh, thậm chí khiếu nại rất nhiều lần, nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Các DN tốn nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, cung cấp các sản phẩm thực sự chất lượng phục vụ du khách, nhưng chỉ chớp mắt đã bị các DN nhái sao chép nguyên bản (lịch trình, sản phẩm du lịch mới, giá cả…).
Trong thời buổi cạnh tranh đầy khó khăn, DN chân chính lại còn phải liên tục đối phó với những DN dỏm thiếu tự trọng, quả thực rất vất vả. Chưa kể, có những khách hàng vô tình mua trúng tour giả mạo đã phải khổ sở khi bị bỏ rơi bơ vơ nơi xứ người…
Nếu tình trạng bát nháo thương hiệu du lịch nhái, giả mạo còn tiếp tục diễn ra, ngành “công nghiệp không khói” này sẽ bị đe dọa, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước.
Nhằm đối phó với một số tên miền giả mạo, tại một cuộc họp gần đây về thương mại điện tử dành cho DN du lịch, đại diện Công ty Mắt Bão, đơn vị cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc gia, cho biết để tránh hiện tượng trùng tên miền, nhiều DN đã chọn phương án đăng ký “bao vây” lên tới vài chục tên miền để phòng ngừa rủi ro, gom hết các tên miền mà DN có nguy bị giả mạo thương hiệu để đăng ký. “Tên miền cũng giống như ngôi nhà của DN, nếu lơ là thì có thể mất nhà để ở, dễ rơi vào tranh chấp, kiện tụng; chưa kể muốn lấy lại cũng không dễ dàng, thậm chí không lấy được”, lãnh đạo Công ty Mắt Bão nói.