Một mặt, địa phương phải đáp ứng đủ chỗ học cho tất cả học sinh, mặt khác còn thực hiện cùng lúc các đề án phát triển trường tiên tiến, hiện đại theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế; dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới…
Căng thẳng chỗ học
Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 của quận 1, địa phương sẽ tiếp nhận tất cả trẻ sinh năm 2012 có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại quận 1 vào lớp 1 các trường tiểu học theo phân tuyến trên địa bàn. Nếu các trường không đủ khả năng tiếp nhận hết số trẻ sinh năm 2012 theo hai diện nói trên, Ban chỉ đạo Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục quận 1 sẽ tổ chức hiệp thương với ban chỉ đạo xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các phường để chọn ra phương án tối ưu nhất. Ngoài ra, theo phân tuyến của địa phương, mỗi trường tiểu học tùy khả năng tiếp nhận sẽ quy định mốc thời gian xét hộ khẩu, như: Trường Tiểu học Trần Khánh Dư chỉ nhận trẻ nhập hộ khẩu tại phường Tân Định từ năm 2014, Trường Tiểu học Trần Quang Khải nhận trẻ nhập hộ khẩu phường Đa Kao từ năm 2015… Những trẻ có thời gian nhập hộ khẩu không đúng quy định đều được xem là trái tuyến và sẽ xét từng trường hợp cụ thể sau khi nhận hết trẻ đúng tuyến.
Cũng trong năm học tới, quận Tân Bình phải đáp ứng chỗ học cho 7.659 trẻ sinh năm 2012 vào lớp 1, tăng 1.352 trẻ so với năm học 2017-2018. Tương tự, đối với tuyển sinh lớp 6, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 6.690 học sinh, tăng 577 chỉ tiêu so với năm học trước. Năm nay, quận có 2 trường thực hiện đề án xây dựng mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế là Trường Mầm non 14 và Trường Tiểu học Đống Đa (sĩ số không quá 35 học sinh/lớp) nên áp lực sĩ số càng đè nặng lên các trường mầm non và tiểu học còn lại trên địa bàn.
Tương tự, năm nay quận Gò Vấp có 9.498 trẻ 6 tuổi cần huy động ra lớp, tăng 1.626 trẻ so với năm học 2017-2018. Đối với tuyển sinh lớp 6, địa phương phải đảm bảo chỗ học cho 8.340 em, trong khi con số này ở năm học trước là 7.740 học sinh. Trong đó, điểm mới của công tác tuyển sinh năm nay tại Gò Vấp là những học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ngoài quận Gò Vấp, thiếu thông tin về chỗ ở, nếu có nhu cầu học lớp 6 ở quận Gò Vấp sẽ được phân tuyến vào 3 Trường THCS Trường Sơn, THCS Lý Tự Trọng và THCS An Nhơn. Đây là quy định không có trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2017-2018.
Khó đáp ứng học 2 buổi/ngày
Trước áp lực gia tăng dân số, nhiều địa phương đang tính đến phương án giảm số lớp học 2 buổi/ngày. Giải thích điều này, đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, thay vì tổ chức lớp học 2 buổi/ngày thì cũng với phòng học đó, nếu chuyển qua dạy học 1 buổi/ngày sẽ có điều kiện tiếp nhận thêm lớp học khác ở buổi thứ hai. Tuy nhiên, địa phương cũng thừa nhận đây chỉ là giải pháp tạm thời vì sắp tới, nếu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới buộc học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày. Trước mắt, đại diện các trường cho biết sẽ thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, tức giảm dần số lớp học 2 buổi/ngày ở các khối 2, 3, 4 để có phòng trống tổ chức dạy học 2 buổi đối với học sinh lớp 1.
Tại quận Thủ Đức, nhiều trường tiểu học đã ngưng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, phòng GD-ĐT quận lưu ý việc tổ chức số lớp học 2 buổi/ngày và lớp học 1 buổi phải phù hợp số lượng học sinh đăng ký và thực trạng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo đặc thù riêng của từng đơn vị. Trong đó, tiêu chí xét chọn học sinh lớp 2 buổi/ngày là thời gian cư trú tại địa bàn tuyển sinh, ưu tiên những học sinh cư trú lâu năm và vận động học 1 buổi đối với học sinh mới đến cư trú.
Đối với một số quận, huyện có trường THCS có nhu cầu đăng ký đầu vào của phụ huynh thuộc hàng “tốp” như Trường THCS Vân Đồn (quận 4), Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)… năm nay chia đều cơ hội tuyển sinh cho học sinh có hộ khẩu đúng tuyến và học sinh trái tuyến kèm theo các điều kiện cụ thể như tổng điểm kiểm tra 2 môn Toán và Tiếng Việt lớp 5 từ 19 điểm trở lên, có giấy chứng nhận đạt giải thưởng các cuộc thi cấp TP trở lên do ngành GD-ĐT cấp...
Để đáp ứng đủ chỗ học cho tất cả học sinh, theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, địa phương phải hy sinh rất nhiều danh hiệu trường chuẩn quốc gia, chấp nhận “phá vỡ” sĩ số. Riêng ở bậc mầm non, quận Gò Vấp là một trong số những quận, huyện thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa để giải tỏa áp lực cho trường công.