Chật vật ổn định tuyển sinh đầu cấp

Tuần qua, phụ huynh có con tham gia tuyển sinh đầu cấp năm học 2025-2026 trên địa bàn TPHCM đã hoàn tất việc kiểm tra, điều chỉnh thông tin cá nhân của học sinh trên hệ thống tuyển sinh chung của thành phố. Năm nay, dù quy trình tuyển sinh đã được cải tiến, song phụ huynh học sinh vẫn gặp khó khăn.

Gian nan cập nhật nơi ở hiện tại

Chị Ngọc Phụng (nhà ở TP Thủ Đức), phụ huynh có con năm nay chuẩn bị vào học lớp 1, cho biết, trước đây cả nhà đăng ký tạm trú ở địa chỉ khác nơi đang ở hiện tại. Do năm nay con chuẩn bị vào học lớp 1, chị được yêu cầu cập nhật lại nơi ở hiện tại. Để cập nhật, phụ huynh phải thực hiện nhiều bước: trực tiếp đến cơ quan công an để nộp hồ sơ giấy, sau đó được hướng dẫn tạo tài khoản, đăng ký trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.

R1a.jpg
Học sinh tham gia kỳ khảo sát năng lực vào lớp 6 các trường THCS trên địa bàn TP Thủ Đức năm học 2024-2025. Ảnh: THU TÂM

Sau khi hoàn tất đăng ký nơi ở mới, phụ huynh lo lắng vì thời hạn trả kết quả trên cổng dịch vụ công quốc gia lại sau thời gian quy định điều chỉnh thông tin cá nhân của học sinh trên hệ thống tuyển sinh chung của thành phố. Trước mắt, phụ huynh đã báo cáo tình hình giải quyết hồ sơ của con chị cho giáo viên chủ nhiệm, đồng thời liên tục cập nhật thông tin trên cổng dịch vụ công quốc gia để kịp thời bổ sung thông tin tuyển sinh đầu cấp cho con.

Tương tự, anh Hải Đăng (nhà ở quận 4) ngao ngán nhớ lại hành trình đi cập nhật thông tin nơi ở hiện tại cho con. Phụ huynh này được giáo viên chủ nhiệm lớp 5 thông báo là thông tin nơi ở hiện tại của con trên phần mềm tuyển sinh chưa trùng khớp với khai báo của phụ huynh (do việc thực hiện sắp xếp lại khu phố, ấp dẫn đến thông tin khu phố trong nơi ở hiện tại sai lệch so với địa chỉ đã đăng ký từ đầu năm học). Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều gia đình học sinh nên các trường phải lập danh sách học sinh cần điều chỉnh thông tin, thông báo cho phụ huynh, đồng thời hối thúc phụ huynh thực hiện việc điều chỉnh để không ảnh hưởng đến quá trình đăng ký tuyển sinh khi chuyển cấp. Những trường hợp khó khăn trong việc điều chỉnh, các trường học đã báo cáo phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức để được hướng dẫn giải quyết.

“Quy trình điều chỉnh thông tin cư trú có thể khác nhau giữa các địa bàn dân cư nhưng đây là yêu cầu bắt buộc nhằm có cơ sở dữ liệu thông tin chính xác, phục vụ cho công tác quản lý hồ sơ học sinh trong những năm học kế tiếp”, một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.

Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, phụ huynh sử dụng tài khoản đã được trường mầm non, tiểu học hoặc UBND phường, xã cung cấp để đăng nhập trang tuyển sinh đầu cấp của TPHCM tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, sau đó rà soát, xác nhận thông tin tuyển sinh. Những trường hợp không thực hiện rà soát dữ liệu hoặc không xác nhận thông tin trong thời gian quy định, hệ thống tuyển sinh đầu cấp sẽ tự động hiểu là phụ huynh đồng ý toàn bộ thông tin hiện có trên trang tuyển sinh đầu cấp của thành phố, từ đó sử dụng làm căn cứ để xét tuyển.

Vì vậy, việc cập nhật thông tin là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Trường hợp hồ sơ tuyển sinh của học sinh cần điều chỉnh thông tin, phụ huynh phải đính kèm minh chứng gồm hình ảnh giấy khai sinh của học sinh, thông tin cư trú của phụ huynh trên ứng dụng VNeID theo tài khoản mã định danh của học sinh.

Linh hoạt phương án tuyển sinh

Ông Dương Văn Dân, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, thông tin, năm học 2025-2026, quận 8 phân tuyến tuyển sinh các lớp đầu cấp theo địa bàn khu phố mới. Để đảm bảo quyền lợi học sinh, tiêu chí chính vẫn là căn cứ vào nơi ở hiện tại của học sinh để phân bổ chỗ học theo bản đồ GIS.

R4c.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) trong buổi sinh hoạt dưới cờ ở sân trường vào đầu tháng 4-2025. Ảnh: THU TÂM

Tương tự, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho hay, UBND TP Thủ Đức đã chỉ đạo UBND 34 phường thực hiện việc điều tra, lập danh sách trẻ trong độ tuổi tuyển sinh chính xác theo nơi cư trú. Ngoài ra, phòng GD-ĐT có trách nhiệm rà soát điều kiện cơ sở vật chất, phòng học, khả năng tiếp nhận của các trường để phân tuyến tuyển sinh phù hợp, không gây quá tải hay tạo áp lực cho nhà trường trong việc bố trí phòng học, đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Sau khi rà soát, căn cứ tình hình trường lớp thực tế, địa phương xây dựng khu vực tuyển sinh linh hoạt, không cứng nhắc theo ranh giới hành chính phường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại, đồng thời đảm bảo các trường tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học này, ngoài việc phân bố chỗ học theo nơi ở hiện tại của học sinh, các địa phương xem xét thứ tự ưu tiên xét tuyển đối với các trường hợp gồm: học sinh hoàn thành chương trình mầm non hoặc tiểu học trên địa bàn, có cha hoặc mẹ làm việc tại địa bàn; học sinh có nơi ở hiện tại thuộc các khu vực ranh giới giữa các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Việc xem xét các trường hợp ưu tiên nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con, đồng thời bổ sung nguồn học sinh cho các địa phương có số lượng trẻ trong độ tuổi tuyển sinh thấp do đặc thù khu vực. Tuy nhiên, quy định “mở” này khiến nhiều phụ huynh lo ngại tình trạng không công bằng trong tuyển sinh. Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh đề nghị, khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, xem xét các trường hợp không thuộc diện ưu tiên sau cùng dựa trên chỉ tiêu còn lại của các trường và quyết định của ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp.

Tin cùng chuyên mục