Mặc dù công tác xử lý nợ xấu đã góp phần đảm bảo cho các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, song Chính phủ cũng cho biết, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 đã nổi lên một số khó khăn, vướng mắc. Đáng lưu ý hơn cả là việc thực hiện quyền thu giữ và phát mãi tài sản bảo đảm, mà đây lại chính là điểm mấu chốt để triển khai Nghị quyết 42 một cách có hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản phát mãi còn gặp rất nhiều khó khăn; nhiều trường hợp người mua được tài sản chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng. Vì thế mà mặc dù tài sản phát mãi từ các ngân hàng thường có giá “mềm” hơn thị trường, nhưng bán không chạy. Trong khi hàng loạt ngân hàng thương mại đã tiến hành rao bán khoản nợ hoặc phát mãi các tài sản gắn liền với khoản nợ như bất động sản hay nhà xưởng (điển hình như BIDV thông báo bán phát mãi 55 căn hộ tại dự án The Era Town với giá giảm 5%; Vietinbank bán đấu giá 30 quyền sử dụng đất tại Hòa Bình…), thì lượng giao dịch thành công từ đầu năm đến cuối tháng 5-2020 chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Có những tài sản rao bán nhiều lần nhưng chưa có người mua.
Đại diện một quỹ đầu tư thẳng thắn cho biết, mua lại loại tài sản này không phải “khẩu vị” của doanh nghiệp ông, bởi việc mua “phải thực hiện rất nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến giải chấp, định giá tài sản, rồi quyền mua và quyền bán của ngân hàng”. Đó là chưa kể đã có trường hợp mua thành công rồi, có người khởi kiện, tòa lại tuyên vô hiệu giao dịch phát mãi.
Nhiều giải pháp đã được đề xuất nhằm tăng tính hấp dẫn của các tài sản phát mãi nói riêng, tăng hiệu quả của công tác mua bán nợ nói chung. Trong đó, từ khía cạnh khung khổ pháp lý, các luật gia cho rằng, cần xây dựng cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm, vì hiện tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết, đồng thời cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bên cạnh đó, cơ chế áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản bảo đảm tuy đã được quy định tại Nghị quyết 42 và Hội đồng Thẩm phán cũng đã ban hành nghị quyết hướng dẫn, song số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án còn rất hạn chế. Tập hợp số liệu từ các tổ chức tín dụng thì thấy, đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Nguyên nhân là các bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, cố tình tạo ra các tình tiết mới nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc...
Trong bối cảnh đang rất khó khăn hiện nay, việc sớm “gỡ” được những nút thắt pháp lý kể trên có thể giúp giảm nợ xấu, giải phóng nguồn lực nằm trong các khối tài sản bảo đảm, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế.