Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn lo lắng khi hàng giả thương hiệu Nón Sơn bày bán tràn lan trên mạng xã hội. “Nhà nước nên sớm có luật để quản lý thương mại điện tử, trong đó yêu cầu người bán hàng phải công khai nguồn gốc, chất lượng, có mã số định danh người bán để cơ quan chức năng dễ quản lý”, ông Nguyễn Ngọc Tý đề xuất.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG, nền tảng số giúp tiết kiệm nhiều chi phí, nguồn lực... nhưng cũng có nhiều kẽ hở. “Nhằm hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp, chúng tôi sản xuất tem chống giả ứng dụng công nghệ cao giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, giúp lực lượng chức năng quản lý tốt hơn”, ông Nguyễn Viết Hồng nói.
Thông tin tại hội thảo, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu Trí tuệ, cho rằng, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng “nở rộ”. Có tình trạng bán điện thoại nhái hàng hiệu với giá 1 triệu đồng, trong khi giá hàng thật lên tới 860 triệu đồng; hay như các sản phẩm thương hiệu quốc tế cũng bị rao bán với các tên na ná... Cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ án nhưng lại không khởi tố được bị can vì bị can ở nước ngoài.
Để xử lý, ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường, cho biết, lực lượng quản lý thị trường đang đẩy mạnh rà soát kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Song song đó, cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân mua sắm có trách nhiệm, không mua khi biết đó là hàng giả mạo, hàng nhái.