Cuối chiều 15-8, tổng kết hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên chất vấn đã có 107 lượt đại biểu (ĐB) Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 54 lượt ĐB đã thực hiện quyền chất vấn và 8 lượt ĐB tranh luận.
Cán bộ sợ trách nhiệm, có xu hướng giải thích để “tiện cho mình”
“Các ĐB từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định. Các bộ trưởng và trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận.
Trước đó, nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đặt câu hỏi về giải pháp tổng thể mang tính đột phá để cải thiện đội ngũ pháp chế, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, vì các giải pháp của địa phương thời gian qua đã “đụng trần”. Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, hiện đội ngũ pháp chế trên cả nước khá “mỏng”, trong đó 70% là kiêm nhiệm. Theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Dù vậy sau rất nhiều lần đôn đốc, hiện mới có 8/28 bộ trưởng (bao gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tham gia chỉ đạo công tác này, còn lại là do thứ trưởng phụ trách. “Nếu so sánh với khối lượng công việc của các bộ, ngành hiện nay có thể thấy số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực này khó đáp ứng được yêu cầu; một số bộ, ngành có tâm lý không ưu tiên cho lĩnh vực pháp chế”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Cũng liên quan đến lập pháp, ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp về việc “có nơi né tránh trách nhiệm trong tham mưu xây dựng pháp luật”. ĐB đề nghị làm rõ đâu là nguyên nhân chính, giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Lê Thành Long công nhận tình trạng sợ trách nhiệm là có, và không chỉ ở Bộ Tư pháp. “Tuy nhiên, để lượng hóa việc này thì rất khó. Thực tế không làm được hoặc ngại thì nói do pháp luật, nhưng đúng hơn - như Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói nhiều lần - khâu yếu của chúng ta là tổ chức thi hành pháp luật.
Bên cạnh đó, một số nơi có xu hướng giải thích pháp luật theo hướng “tiện cho mình”, hoặc hiểu về pháp luật còn chưa thống nhất”, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu quan điểm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cung cấp thông tin, Bộ Nội vụ được giao soạn thảo Nghị định về bảo vệ người dám nghĩ dám làm, nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết, bởi đây chỉ là nghị định, còn nhiều vấn đề liên quan lại ở tầm luật.
Một vấn đề khác được nhiều ĐB đặt ra với người đứng đầu Bộ Tư pháp là những bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản. ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm giải pháp đấu giá trực tuyến để tránh tình trạng thông đồng, dìm giá. Nhìn nhận đây là giải pháp tốt để phần nào ngăn chặn tình trạng thiếu công khai, minh bạch, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu giao cho một công ty đấu giá xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử chuyên về đấu giá.
Ngành NN-PTNT ứng phó với 3 chữ “biến”
Trả lời chất vấn chiều 15-8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần nhắc đến 3 chữ “biến” mà ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ phải đối mặt: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Theo ông, đây chính là cơ sở để xử lý mọi vấn đề, cả ngắn hạn và dài hạn.
Phản ánh hiện trạng người nông dân còn thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng cao, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ: “Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường”.
Theo người đứng đầu ngành NN-PTNT, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này. Từ đó mới khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá” cũng như các câu chuyện buồn khác như nông dân bội tín với doanh nghiệp, hay doanh nghiệp, thương lái bỏ cọc khiến nông dân lao đao...
Đề cập đến việc chưa gỡ được “thẻ vàng” mà Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng đối với thủy sản Việt Nam, ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu: “Gần 9 năm qua, Việt Nam chưa gỡ được thẻ vàng, trong khi Philippines chỉ mất 9 tháng, Thái Lan mất 3 năm. Dự kiến, EC sẽ tiến hành đánh giá lần 4 vào tháng 10 tới và nước ta đặt mục tiêu được gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. Những giải pháp mà bộ đưa ra liệu có giúp Việt Nam đạt được mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá tới hay không?”. Dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc “gỡ bỏ thẻ vàng EC không phải mục tiêu duy nhất của chúng ta”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận, mục tiêu cuối cùng là phải giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển Việt Nam.
“Nếu sau khi gỡ thẻ vàng mà tính bền vững không có thì gỡ xong người ta sẽ áp đặt thẻ vàng khác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định sẽ có hành động kiên quyết hơn, vì chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ được “thẻ vàng”.