Theo số liệu thống kê từ các quận huyện, ước tính khối lượng chất thải rắn xây dựng bằng khoảng 20% lượng chất thải rắn sinh hoạt, khoảng 1.800 tấn/ngày.
Loại chất thải này phát sinh chủ yếu từ các hộ dân xây dựng và sửa chữa nhà cửa, các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, các công trường xây dựng hạ tầng kỹ thuật…
Cũng theo theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, khối lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố mà công ty thu gom về 2 trạm trung chuyển là 1.500 tấn/ngày.
Tuy nhiên, vẫn còn một khối lượng đáng kể chất thải rắn xây dựng phát sinh nhưng chưa được thống kê. Điều đáng nói, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng khu vực nội thành được thành phố giao cho công ty tự hạch toán kinh doanh. Các công ty TNHH MTV dịch vụ công ích huyện ngoại thành chịu trách nhiệm quản lý ở khu vực ngoại thành.
Tuy nhiên, thực tế rất ít khi các hộ dân tự giác vận chuyển chất thải xây dựng đến trạm trung chuyển của công ty, ngoại trừ số lượng rác xây dựng do các chủ đầu tư có ký hợp đồng thu gom và xử lý với công ty.
Số còn lại được các chủ nguồn thải chuyển nhượng tự do trên thị trường hoặc thải bỏ và không thể kiểm soát được số lượng rác này. Phổ biến nhất là hộ gia đình, chủ công trường thuê xe ba gác đến gom và đổ rác xây dựng ra các khu vực vùng ven, bãi đất trống.
Hiện với tốc độ đô thị hóa nhanh, khối lượng đất và phế thải xây dựng đang phát sinh không nhỏ, gia tăng nhanh chóng theo thời gian. Dự tính, đến năm 2025, khối lượng thu gom chất thải rắn đạt mức khoảng 2.475 tấn/ngày; con số này sẽ tăng lên 3.775 tấn/ngày vào năm 2050.
Do vậy, việc thải bỏ chất thải rắn xây dựng còn bừa bãi như hiện nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường của TPHCM.