Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (TN-MT), cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án là để triển khai các bước tiếp theo của dự án, trong đó có hợp phần nhận chìm ở biển. Việc nhận chìm vật, chất ở biển phải tuân theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (TN-MTB-HĐ). Theo đó, chủ dự án chỉ được triển khai nhận chìm sau khi được cấp giấy phép nhận chìm và được bàn giao khu vực biển để nhận chìm (quy định tại Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TN-MTB-HĐ).
Ở vụ việc nêu trên, ngày 24-5-2017, UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất vị trí nhận chìm của dự án này tại Công văn số 11664/VPUBND-KTN. Chủ dự án đã đánh giá tác động của hoạt động nhận chìm vật, chất; Bộ TN-MT đã thành lập Hội đồng Thẩm định ĐTM dự án. Căn cứ kết luận của hội đồng thẩm định sau khi xem xét mức độ hoàn thiện của ĐTM dự án tổng thể này, Bộ TN-MT đã phê duyệt báo cáo ĐTM cho toàn dự án vào tháng 12-2017, với các điều kiện kèm theo để chủ dự án tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định.
Trong quyết định phê duyệt, Bộ TN-MT yêu cầu chủ dự án tiếp tục hoàn thiện nội dung đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động nhận chìm ở biển. Cụ thể: “Tiếp tục lấy mẫu, bổ sung, đánh giá thành phần, đặc tính vật, chất tại khu vực dự kiến nạo vét và nhận chìm; thiết kế, làm rõ phương án thi công, công nghệ nạo vét, đổ thải và nhận chìm phù hợp để giảm thiểu các tác động đến môi trường xung quanh; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát, quan trắc môi trường liên quan đến hoạt động nạo vét, vận chuyển và nhận chìm trong giai đoạn thi công nhận chìm ở biển”. Việc lập đề án nhận chìm ở biển phải bảo đảm tuân thủ các quy định theo Luật TN-MTB-HĐ năm 2015 và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ TN-MT nêu rõ, chủ dự án “chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến thẩm định, cấp phép nhận chìm và bàn giao khu vực biển để nhận chìm của cơ quan quản lý có thẩm quyền”.
Như vậy, quyết định phê duyệt ĐTM của dự án, Bộ TN-MT chưa chấp thuận cho phép chủ dự án hoạt động nhận chìm theo đề xuất và đã yêu cầu chủ dự án tiếp tục hoàn thiện nội dung ĐTM đối với hoạt động nhận chìm ở biển. Điều này có nghĩa là sau khi được phê duyệt ĐTM, chủ dự án còn phải lập đề án nhận chìm, phải tiếp tục khảo sát, hoàn thiện những yêu cầu về BVMT, trình hội đồng thẩm định xem xét, nếu đáp ứng các yêu cầu về an toàn, môi trường thì mới cấp giấy phép nhận chìm; sau đó xin bàn giao khu vực biển dự kiến nhận chìm. Các bước này, tùy theo phân cấp quản lý mà UBND tỉnh hoặc Bộ TN-MT sẽ xem xét, quyết định. Nhận chìm vật, chất nạo vét xuống biển bao giờ cũng là phương án sau cùng. Bộ TN-MT luôn khuyến cáo các địa phương, các chủ đầu tư nên tận dụng tối đa vật, chất nạo vét này để sử dụng cho san lấp đê kè ven biển.
Nhiệt điện Quảng Trạch sử dụng công nghệ thải xỉ ướt, nước được trộn với xỉ sau đó được bơm ra bãi chứa xỉ bằng hệ thống ống bơm. Theo thiết kế, bãi xỉ nhiệt điện Quảng Trạch được lựa chọn ở cuối hướng gió để hạn chế ảnh hưởng của bụi và thuận tiện cho khai thác. Đáy và đập bãi thải xỉ được lót lớp màng chống thấm ngăn nước ngấm từ bãi thải xỉ ra môi trường xung quanh. Khu chứa xỉ có sức chứa khoảng 1,7 triệu m3. Hiện chưa có cơ quan độc lập nào kiểm định bản ĐTM. |