
Từ tiếng một con cá quẫy dưới đìa, tiếng chim gù trong bụi rậm, câu vọng cổ man mác bên sông, chén rượu nồng kèm những món mồi nhậu dân dã miền quê thơm thứ lửa nướng mùi rơm rạ… những bút ký của Phan Trung Nghĩa đã để lại một ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Phan Trung Nghĩa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện công tác tại báo Bạc Liêu. Sách đã in: tập truyện ngắn “Hương cau”, “Đạo gác cu”; bút ký “Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại”.
-PV: Từ đâu đã hình thành một giọng văn đậm chất miền quê Nam bộ Phan Trung Nghĩa?

Nhà văn Phan Trung Nghĩa
-Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Tôi ít học (trình độ văn hóa lớp 9). Sinh ra ở một làng quê heo hút và nghèo khó ở Bạc Liêu. Thuở nhỏ đi chăn trâu, sống cuộc đời hòa nhập sông nước, ruộng đồng. Tôi đi giăng lưới, cắm câu, cuốc rẫy, làm ruộng để mà sống.
Cuộc đời bó hẹp trong cái làng nhỏ nằm dọc theo bờ sông Bạc Liêu. 24 tuổi tôi không biết Sài Gòn tròn méo như thế nào. Thế cho nên các luồng văn hóa khác ít bị ảnh hưởng.
Cốt cách của người viết được nuôi dưỡng bằng ruộng đồng, bằng sông nước, bằng đời sống mộc mạc, dung dị và phóng khoáng của người nông dân Nam bộ. Thế cho nên viết thứ gì ra cũng bằng giọng điệu đặc sệt Nam bộ, tâm hồn Nam bộ. Đây cũng là nhược điểm, nhưng đồng thời là tính cách người viết, biết làm sao bây giờ? Giống như trời sinh ra vậy…
-Anh có vẻ như một tay nhậu có hạng và khá sành về những món mồi dân dã miệt vườn?
-Như đã nói, hồi nhỏ tôi sống bó hẹp trong ruộng. Tập quán sinh hoạt ở quê tôi là vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu (bởi không có thứ khác thay thế). Đã ngồi xuống ăn thì chơi hết mình, “vốn” bao nhiêu thì chơi bấy nhiêu. Không có kiểu nhậu vài ly xã giao, lễ tân.
Những tay nhậu mạnh được rước đi uống kình với xóm khác, được mời đi đưa rước dâu để uống thi với nhà trai (gái). Xã tôi có anh Hai Ấm, tên anh được đặt cho bởi vì anh nhậu đến hai ấm (khoảng 3 lít) mới xỉn. Tôi sống trong môi trường như thế nên biết nhậu từ nhỏ (khoảng 15 tuổi). Nhậu riết thì lên đô, có khi uống 1 lít rồi còn đi chơi. Thế nhưng bây giờ vì công việc, môi trường khác, cơ thể không cho phép nên tôi đã ít nhậu rồi.
Ở quê tôi ai bắt cá giỏi thì được gọi là tay sát cá. Tôi cũng là tay sát cá có hạng. Cách đây khoảng 10 năm, một lần về quê vợ anh Bảy Chánh, Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu chơi. Thấy cá dưới đìa nhiều quá, tôi bảo để tôi mò cá lên nướng nhậu. Thằng em út của vợ anh Bảy cười khẩy “Anh bắt được bao nhiêu cá, tôi xin nghiêng mình tặng anh hết”.
Tôi cởi áo nhảy xuống đìa, tháng đó nước ngọt, cá về đìa dày đặc. Tôi mò khoảng gần 1 giờ đã bắt được gần 4 –5kg cá “rô mề”, tay em vợ anh Bảy nóng ruột: “Thôi bao nhiêu đó đủ ăn rồi anh ơi…”.
Người bắt cá giỏi thì thường ăn cá, nên cũng biết được làm món gì ăn ngon. Thế cho nên tôi rành các món ăn dân dã miệt vườn là điều dễ hiểu.
-Về Bạc Liêu nên thưởng thức món gì mới cảm hết Bạc Liêu?
-“Muốn cảm hết Bạc Liêu” bằng món ăn thì cũng khó. Thế nhưng cũng có vài món ăn đặc trưng phản ánh được văn hóa Bạc Liêu. Ca dao xưa viết: “Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Trâu”. Cá chốt dưới sông Bạc Liêu xưa chỉ cần thảy xuống một cục cơm thì cá chốt nổi đầu dày đặc một vùng cỡ chiếc đệm…
Thế thì ta ăn cá chốt kho sả, cá chốt nấu canh chua bông so đũa để cảm Bạc Liêu xưa. Hay món mắm chưng, bún mắm… để hiểu văn hóa ẩm thực của người Khmer Bạc Liêu. Hoặc ăn củ cải muối của người Hoa… Nói thế thôi chớ các món ăn ở Bạc Liêu cũng na ná với đồng bằng sông Cửu Long thôi.
-Đất Bạc Liêu dường như còn tiềm ẩn nhiều về giai thoại, về tính cách con người và anh sẽ còn viết những gì về Bạc Liêu?
-Ở Bạc Liêu người Hoa, người Khmer Nam bộ rất đông. Ba nguồn văn hóa: Kinh, Hoa, Khmer cộng lại thành một nền văn hóa cộng cư đặc trưng của ĐBSCL trong văn hóa Việt Nam. Đó là một nền văn hóa vô cùng phong phú và lạ lẫm. Ta càng đi sâu càng thấy thú vị và đầy cảm hứng văn chương. Dù ta có khai thác cả đời cũng không hết.
Là người được đất Bạc Liêu, đất Nam bộ nuôi dưỡng và với trách nhiệm nhà văn tôi tự đặt cho mình cái trách nhiệm là đi khai thác cái địa tầng văn hóa ấy, trình bày cái vẻ đẹp lung linh của văn hóa ấy. Sắp tới tôi cũng sẽ làm công việc đó.
-Anh có nhận định gì về tình hình sáng tác ở ĐBSCL? So với những vùng đất khác dường như hơi hẻo, bởi ít thấy xuất hiện những cây bút trẻ tạo dấu ấn?
-Tình hình sáng tác văn học ở ĐBSCL à? Việc này phải hỏi nhà thơ Lê Chí, Trưởng ban liên lạc Chi hội Nhà văn ĐBSCL mới có câu trả lời chính xác. Riêng tôi thì các nhà văn vẫn đang cởi trần hì hục cày xới đầy tâm huyết đấy. Còn các cây bút trẻ tạo được dấu ấn thì đã có Nguyễn Ngọc Tư. Một cảm nhận nữa là các nhà văn ĐBSCL ít được hấp thụ linh khí của một nền văn hóa 4.000 năm như các văn sĩ mạn ngoài. Thế cho nên phần lớn là bị thua thiệt trong phương pháp luận khi trình bày bằng miệng.
-Anh còn ấp ủ điều gì với nghề văn?
-Ấp ủ của tôi chắc cũng giống như nhiều nhà văn khác là mơ ước mình thật sung sức để viết thật nhiều về cái vùng đất đã dung dưỡng, che chở cưu mang mình lớn lên. Có thể có điểm khác hơn một số nhà văn là tôi được sinh ra trên một vùng đất nghèo khó. Tôi luôn cảm thấy có một món nợ cần phải rút gan, rút ruột mà trả cho mảnh đất quê hương của mình.
TRẦN KHANH