Phiên hiến kế về khởi nghiệp diễn ra với sự chủ trì của ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện quản lý kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin-Truyền thông.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các start up có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2017. Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng ngày càng tăng. Số lượng và hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần có xu hướng tăng, đã có tính hệ thống hơn, phát triển các hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn và đầu tư mạo hiểm, khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.
Các đại biểu đã cùng thảo luận các nội dung: Trên thế giới hiện có phương thức mô hình kinh doanh mới nào, mô hình nào cần thiết và phù hợp với Việt Nam, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, mô hình nào phục vụ tốt nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Đây là động lực quan trọng cho phong trào khởi nghiệp quốc gia. Xu hướng ứng xử của các quốc gia với các mô hình kinh doanh mới trong thời đại số, làm rõ quan điểm về cơ chế và chính sách phù hợp, chấp nhận cái mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu. Cùng với đó là những giải pháp khuyến khích các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam với 6 nội dung cơ bản liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp bao gồm xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia, tối ưu hoá môi trường pháp lý, tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển, tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp. Vấn đề nữa là đảm bảo nguồn vốn thường xuyên để phát triển, tháo gỡ nút thắt về cơ chế tài chính.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là không gian mà chúng ta gọi là cách mạng 4.0, tạo ra những cơ hội suy nghĩ khác và làm khác để đạt được các mục tiêu. “Nếu chúng ta cứ đi theo một cách tuần tự thì luôn đi sau, khởi nghiệp sáng tạo là cách để chúng ta làm khác. Chúng ta làm theo quy định, tiến theo quy trình là làm theo cái cũ, không bao giờ có đổi mới sáng tạo”, ông Nguyễn Đình Cung nói. Theo ông, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đang thiếu rất nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc. “Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo. Ứng xử với nó theo tôi là đừng lo quản lý, cứ để dân làm. Không phải nhà nước biết đến đâu quản đến đấy, mà quản lý phải vì phát triển. Start up sẽ tin rằng khó khăn của mình sẽ được giải quyết”, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương góp ý.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki nêu quan điểm, khởi nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị đạn dược. Tại Việt Nam, các công ty khởi nghiệp ngày càng giỏi lên, tuy nhiên có vấn đề lớn là nguồn vốn và đây cũng là khó khăn trong cả thập kỷ qua. Theo ông, khó khăn khi gọi vốn là nhà đầu tư đều đặt câu hỏi về lợi nhuận, làm sao thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường công ty lên sàn rất khó khăn. Các sàn chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng. “Khi nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ nhìn vào quy mô thị trường và Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhưng chưa đủ lớn, chưa đạt mức nghìn tỷ USD. Cần khuyến khích các công ty đi ra khỏi Việt Nam, hướng tới thị trường Đông Nam Á với quy mô hơn 2.000 tỷ USD và lớn hơn nữa. Nhưng mang vốn ra nước ngoài đầu tư là vấn đề nhạy cảm mà nhà nước luôn phải cân đối giữa đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài”, ông Trần Ngọc Thái Sơn nói.
Bà Linh Phạm, đại diện của Logivan thì cho rằng, các start up ở Việt Nam vẫn còn trở ngại liên quan tới tiếng Anh. “Tôi nghĩ rằng việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam là yếu tố quyết định giúp ta vươn ra thế giới. Cùng với đó, cần đưa chương trình giảng dạy khởi nghiệp sáng tạo như là một môn học tại các trường đại học, cần có một giáo trình đào tạo bài bản. Thứ ba là các ngân hàng cần có chính sách tín dụng cho các founder khởi nghiệp để đi được con đường xa hơn trước khi nhận được vốn từ các nhà đầu tư thiên thần. Thứ tư là cần một bộ chuyên về start up để giải quyết các vấn đề cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, bà Linh Phạm nêu quan điểm.
TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright cho rằng nền kinh tế chia sẻ là một tiến trình tất yếu, ví dụ Grab về phương tiện đi lại. Bộ Giao thông vận tải của nhiều nước đã bỏ rất nhiều thời gian, tiền bạc nghiên cứu giải pháp nhưng sau đó để thị trường tự động lựa chọn, tức là để cho nó tự tạo ra ưu thế. Việc phát triển một nền kinh tế như vậy là tất yếu của quá trình phát triển, dù Việt Nam có muốn hay không muốn cũng không thể cản được.
Có ý kiến tại tọa đàm cho rằng, cần có một chương trình Cafe với Thủ tướng, giúp các Startup có cơ hội trình bày khúc mắc, ý tưởng với Thủ tướng. Ở một số địa phương đã có các doanh nghiệp làm việc với cơ quan của tỉnh nhưng đó đều là các doanh nghiệp lớn. Bà Phi Thị Ngọc Anh, CEO hệ thống phân phối Thegreenway hiến kế, nếu chính phủ có một cổng thông tin chung, khi doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo sản phẩm hay dịch vụ có thể có thể đăng ký ngay để bảo hộ ý tưởng sáng tạo, người mua hàng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm đó, liên thông tới các thị trường khác, không xảy ra tình trạng mất thương hiệu. Thứ hai là thông qua cổng thông tin này, các ngân hàng có hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn vì doanh nghiệp đi vay vốn rất khó khăn. “Hiện nay khi đi vay phải xét rất nhiều, không chấp nhận bảo lãnh bằng hàng hoá, khiến doanh nghiệp chật vật tìm nguồn vốn”, bà Phi Thị Ngọc Anh nêu.