Với việc xây dựng nhiều cao ốc chung cư, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại..., nhu cầu thang máy tăng cao. Đây là phương tiện không thể thiếu ở các cao ốc và phải đảm bảo an toàn cao. Tuy nhiên, có những trường hợp do chủ đầu tư muốn giảm giá thành nên trang bị thang máy kém chất lượng cho chung cư. Thời gian gần đây đã xảy ra những sự cố về thang máy ở chung cư khiến cư dân cảm thấy bất an.
Cư dân sử dụng thang máy tại chung cư Khang Gia Tân Phú(quận Tân Phú, TPHCM) Ảnh: THANH HẢI
Đi bộ cho chắc ăn
Mới đây, ngày 23-4-2016, thang máy ở chung cư 584 (quận Tân Phú, TPHCM) bị sự cố, 16 người bị kẹt trong buồng thang. Khi mọi người bước vào, cửa thang máy đóng lại rất nhanh. Thang nhúc nhích một tí rồi sập xuống. Không thể gọi cầu cứu và cũng không thể mở cửa thang máy để ra ngoài, nhiều người mất bình tĩnh, hoảng loạn, la hét. Buồng thang máy nhỏ lại vào đông người nên rất chật chội, oi bức, ngộp không khí, cộng với mùi hôi thối bốc ra từ ống dẫn rác kế bên khiến mọi người lả dần đi, một vài người ngất xỉu. Sau sự cố đó, các cư dân ở chung cư này đang rất lo ngại. Ông Ngô Hoàng Anh, ở lô B, cho biết: “Chung cư này hoạt động gần chục năm rồi, có 8 thang máy nhưng hầu như thang nào cũng ít nhất một lần bị trục trặc. Bao năm qua, chúng tôi rất ít thấy bảo trì, bảo dưỡng thang máy. Chỉ khi nào có sự cố thì Ban quản lý mới kêu thợ đến sửa chữa. Tiền phí dịch vụ chúng tôi đóng đầy đủ, nhưng không biết vì sao lại để tệ hại như vậy. Vừa rồi thang máy bị kẹt, sợ quá! Nhiều người bảo nhau chịu khổ cực đi thang bộ cho an toàn. Mình còn trẻ, coi như tập thể dục. Nhưng những người lớn tuổi thì sao đi thang bộ nổi!”.
Các cư dân ở nhiều chung cư cao tầng khác cũng phải lo lắng về chất lượng thang máy. Bà Ngô Lan Anh (ở căn hộ B0414 chung cư Carina Plaza, huyện Bình Chánh, TPHCM) bức xúc: “Chung cư có 3 block nhà. Mỗi block có một phòng chứa rác, có thang máy riêng để tải hàng. Nhưng nhiều lúc thang máy tải hàng bị hư. Thế là người dọn rác đẩy luôn xe rác vào đi chung với thang máy dành cho cư dân, khiến mọi người rất khốn khổ vì mùi hôi và ô nhiễm”.
Phải kiểm tra định kỳ
Trong việc xây dựng các công trình cao tầng, khu vực thang máy được giám sát, thi công rất cẩn trọng, chặt chẽ. Ông Nguyễn Thiện Hải, giám sát thi công Công ty TNHH Xây dựng Gia Thiện, cho biết: “Theo nguyên tắc, khi xảy ra sự cố kẹt thang máy hay mất điện, thang máy sẽ tự động chuyển chế độ sang sử dụng bình ắc quy dự phòng để đưa buồng thang máy về tầng trệt. Do vậy, ngoài giám sát kỹ khoang thang máy, chúng tôi đặc biệt quan tâm giám sát việc xây dựng hố pít ở tầng trệt. Trong hố có bộ phận giảm tốc, giảm chấn động cho thang máy, để không gây nguy hiểm cho người sử dụng”.
Những người quản lý các trung tâm thương mại, tòa nhà đa chức năng, chung cư căn hộ cao cấp… rất chú trọng việc định kỳ bảo trì, bảo dưỡng thang máy. Ông Trần Văn Bảy, Giám sát kỹ thuật chung cư cao cấp The Vista (quận 2, TPHCM), cho biết: “Thang máy cũng như bất cứ máy móc nào, sử dụng lâu ngày thì phải có hỏng hóc. Chúng tôi luôn theo sát nhân viên kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng thang máy để cùng họ phát hiện và kịp thời xử lý các hỏng hóc, dù là nhỏ nhất. Có thể khẳng định rằng thang máy khá an toàn nếu các thiết bị được bảo hành đúng kỹ thuật. Theo thiết kế, thang máy bị hỏng hóc, kẹt ở tầng nào thì hệ thống sẽ báo rõ ràng trên bảng điều khiển ở phòng máy. Dù có cúp điện thì hệ thống điện dự phòng, bình ắc quy dự phòng cũng vẫn hoạt động hiệu quả”.
Thế nhưng, ở một số cao ốc chung cư, thang máy kém chất lượng, việc bảo trì, hướng dẫn sử dụng thang máy cũng như giải quyết sự cố cho người sử dụng lại không được ban quản trị chung cư cũng như chủ đầu tư chú trọng. Sự cố kẹt thang máy ở chung cư 584 là một minh chứng rất cụ thể.
ĐOÀN HIỆP