Công nghệ giúp thu hút khán giả
Phim Việt từ điện ảnh, truyền hình, phim khoa học cho đến phim hoạt hình đều đang đứng trước những câu hỏi lớn về mặt chất lượng. Đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn từng ngao ngán nói thẳng: “Nhiều phim không có chất dinh dưỡng cho các bạn trẻ, cho tâm hồn Việt”. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm đó những điểm sáng về mặt công nghệ làm phim: âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo... liên tục có những bước tiến đáng kể.
Cung điện nguy nga trong Tấm Cám - Chuyện chưa kể là kết quả của kỹ xảo
Phân tích rất nhiều đến những hạn chế của phim điện ảnh Việt suốt một năm qua nhưng PGS-TS Trần Luân Kim cũng rất khách quan chỉ ra những điểm tích cực nổi bật: “Phim điện ảnh thu hút khán giả bằng hình ảnh và âm thanh chuyên nghiệp, bài bản có sự chăm chút do sự phát triển của công nghệ. Bước tiến này góp phần giúp phim thu hút khán giả, cạnh tranh với những sản phẩm bom tấn nước ngoài”.
Những bước tiến về mặt công nghệ ở lĩnh vực phim điện ảnh có thể nhìn thấy được. Chất lượng hình ảnh 4K, góc máy và khung hình đẹp mắt, âm nhạc và âm thanh chỉn chu, kỹ xảo tiến bộ... là những mặt tích cực cần được ghi nhận.
Những bước tiến dài ấy không chỉ được thể hiện sinh động ở lĩnh vực phim điện ảnh mà phim truyền hình cũng khá ấn tượng. Theo đạo diễn, TS Nguyễn Hữu Phần thì chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ về mặt nghề nghiệp, sử dụng công nghệ 4K, hệ thống thu thanh tốt trong làm phim.
Để minh chứng cho sự tiến bộ này, ông Hồ Trọng Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) có những lý giải rất chi tiết. Về mặt âm thanh, từ lồng tiếng cho diễn viên, các phim đang tiến tới việc thu thanh đồng bộ, trong đó điển hình là bộ phim Người phán xử.
Công nghệ âm thanh cũng phát triển từ mono (âm thanh từ một nguồn hay địa điểm cố định) lên stereo (âm thanh ở nhiều vị trí khác nhau) và tiến tới là surround (âm thanh bao quanh bạn). Những bước tiến về mặt hình ảnh cũng là đột phá lớn khi từ SD 4:3 lên SD 16:9 sang chuẩn hóa HD và tương lai là 4K. Hiện nhiều kênh truyền hình đang phát HD và bước đầu thử nghiệm 4K qua DVB-T2.
Sự thay đổi về mặt công nghệ cũng tạo nên thay đổi về quy trình sản xuất. Nếu trước đây, việc sản xuất phim truyền hình chỉ trải qua 3 công đoạn: ghi hình, dựng và phát sóng thì hiện nay, sau khi dựng, công đoạn chỉnh màu cũng tạo nên những đột phá lớn.
Ở lĩnh vực phim tài liệu, khoa học hay phim hoạt hình, những bước tiến cũng rất rõ nét. Đạo diễn Lê Hồng Chương khẳng định, các phim tài liệu hiện nay việc sử dụng âm thanh có bước tiến rõ rệt, thu thanh đồng bộ khá phổ biến.
Trong khi đó đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí khẳng định chất lượng hình ảnh và kỹ xảo trong phim hoạt hình Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc.
Chất lượng phim chưa tương xứng
Khi sự phát triển về mặt công nghệ đang diễn ra rất nhanh, chất lượng phim Việt luôn ở tình trạng trồi sụt là một câu hỏi lớn. Phim Việt giờ đây chẳng hiếm những khung hình đẹp, âm thanh chuẩn, góc máy hiện đại... không kém gì các phim nước ngoài nhưng chưa thể làm hài lòng khán giả. Có hai vấn đề đã được đặt ra và luôn là câu hỏi lớn: kinh phí và kịch bản phim.
Diễn viên Ngô Thanh Vân từng ao ước, nếu có 30 tỷ đồng thì bộ phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể của chị đã khác. Dù sự tiến bộ về kỹ xảo giúp ê kíp giải quyết nhiều bài toán khó: chỉ có 30 người lính và 1 con ngựa nhưng có thể tạo nên một trận chiến lớn. Tuy nhiên, điều đó chưa khiến ê kíp làm phim hài lòng.
Một phân cảnh trong Khúc hát mặt trời được sử dụng công nghệ chỉnh màu tạo nên khác biệt rõ rệt
Đạo diễn Lê Bảo Trung cũng từng chia sẻ, nhiều phim Mỹ mỗi phút được đầu tư cả triệu USD. Thực tế, dù công nghệ phát triển hiện đại nhưng không phải nhà sản xuất, ê kíp nào cũng dám chi bạo khi khả năng thu hồi vốn luôn là may rủi. Số phim Việt có kinh phí sản xuất triệu USD mỗi năm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng, tất cả những lý do nói trên không thể ngụy biện cho dấu hỏi lớn về kịch bản - điểm yếu “chết người” của phim Việt hiện nay. Xét cho cùng, công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng không thể lấp liếm cho một bộ phim có nội dung dở.
Công thức này không chỉ đúng ở Việt Nam, mà cả trên thế giới khi nhiều bom tấn có kinh phí sản xuất hàng trăm triệu USD nhưng vẫn thất bại thảm hại. Đạo diễn Việt Linh từng ví von và được nhiều đồng nghiệp tâm đắc: “Phim Việt đang thiếu kịch bản hay. Nhà làm phim giống như người đi trên con đường không có bản đồ dù đi bằng phương tiện hiện đại”.
Công nghệ đang đi trước một bước là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, muốn nền điện ảnh phát triển song hành, cần tiến tới sự chuyên nghiệp, nhất là khi chúng ta đã và đang xây dựng được thói quen xem phim Việt cho khán giả Việt. Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim Truyền hình TPHCM - TFS.
Theo ông, một thị trường phim ảnh lành mạnh nhất thiết phải thế. Sự chuyên nghiệp ấy chắc chắn phải có trong tất cả các khâu vận hành: từ đào tạo đội ngũ nhân lực, tư duy làm phim, quảng bá phát hành... để tương xứng với sự vượt trội về mặt công nghệ.
Tại Triển lãm quốc tế Phim và công nghệ truyền hình 2017 diễn ra vào đầu tháng 6 tại TPHCM, người làm nghề một lần nữa có cơ hội chứng kiến những màn phô diễn các thiết bị máy móc. Nhiều đơn vị nổi tiếng tham gia triển lãm lần này đã giới thiệu hàng loạt thiết bị máy móc, kỹ thuật tiên tiến hiện đại phục vụ cho ngành công nghiệp phim ảnh.
Đáng nói hơn, hệ thống các thiết bị phục vụ cho ngành phát thanh - truyền hình ngày càng được tối ưu hóa theo hướng chuyên biệt và chuyên nghiệp.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) khẳng định: “Về mặt công nghệ, Việt Nam và thế giới hầu như không có sự xa cách nhiều”.
Đạo diễn Lương Đình Dũng dẫn chứng thêm: “Nếu trước đây chúng ta thường biết máy quay cho tốc độ khung hình chuẩn là 24 hình/giây thì ngày nay, con số đó lên đến hàng trăm, hàng ngàn hình/giây”.
Sự phát triển về mặt công nghệ rõ ràng là xu thế tất yếu trước nhu cầu của thực tế thị trường. Song song với đó, đội ngũ nhân sự, đặc biệt ở khâu hậu kỳ cũng có trình độ rất cao.
Riêng về mặt kỹ xảo, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là CGI (Computer - generated imagery - tạm dịch là công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), các ê kíp Việt còn tham gia trong nhiều dự án phim nước ngoài.
Khâu hậu kỳ của hầu hết phim điện ảnh đều có thể thực hiện tại Việt Nam mà không cần phải qua các nước bạn, điển hình là Thái Lan như trước đây.