Theo quan sát của phóng viên, Hà Nội cả ngày luôn mù mịt, thậm chí vào thời điểm 7-8 giờ sáng trời vẫn khá tối khiến nhiều phương tiện tham gia giao thông phải bật đèn chiếu sáng.
Trong khi đó, hệ thống quan trắc tự động của Sở TN-MT Hà Nội ghi nhận, chỉ số chất lượng không khí AQI phần lớn ở mức màu đỏ (151-200) hoặc màu tím (201-300), thậm chí có nhiều nơi màu nâu (AQI trên 300) - mức rất nguy hại cho sức khỏe con người. Đáng lưu ý, qua hệ thống quan trắc PAM Air ghi nhận ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ cho thấy, chỉ số AQI có nơi trên 400 - ngưỡng rất xấu, vô cùng nguy hại cho sức khỏe.
Theo một số chuyên gia môi trường, không khí tại nhiều tỉnh thành miền Bắc ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân chủ yếu thời tiết lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm, khói bụi không thể phát tán lên cao hoặc bị đẩy đi xa. Cùng với đó, hoạt động phát thải từ nhiều nguồn như giao thông, xây dựng, công nghiệp, hoạt động dân sinh trong điều kiện khí tượng không thuận lợi cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Dự báo, ô nhiễm không khí có thể kéo dài liên tục và ngày càng nghiêm trọng cho đến khi nước ta đón đợt gió mùa Đông Bắc mạnh tràn về vào khoảng ngày 17-1.
UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở TN-MT vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường, cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí liên tục tới các cơ quan báo chí để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm 2021 để kiểm tra, đôn đốc, vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than, than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.