Chất lượng giáo dục là vấn đề cốt lõi, là yếu tố sống còn của một trường đại học (ĐH) trong bối cảnh hội nhập giáo dục toàn cầu. Đây là kết quả của sự phấn đấu đồng bộ của cả hệ thống nhà trường từ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phương thức quản trị đến hoạt động phục vụ cộng đồng.
Do đó, để xã hội thừa nhận chất lượng thì tất cả các trường từ trường công lập đến trường ngoài công lập (NCL) đều phải được đánh giá, kiểm định bằng một thước đo chung.
Phải hoàn thành kiểm định trong năm 2017
Bộ GD-ĐT khẳng định năm 2017 là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng.
Bộ yêu cầu các trường phải tham gia kiểm định, những trường nào nếu xét thấy không trụ nổi thì chính các trường đó nên khai tử một cách tự nhiên, không kéo dài thời kỳ lâm sàng.
Quyết tâm này của bộ đã cụ thể hóa bằng việc đưa vào Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, nếu trường nào vi phạm không công khai, công khai không đúng sẽ dừng tuyển sinh.
Để thực hiện mục tiêu này, đến nay Bộ GD-ĐT thành lập 4 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo quy định về kiểm định chất lượng giáo dục ĐH cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá, quy trình, chu kỳ kiểm định, áp dụng cho việc đánh giá đối với các học viện, trường ĐH. Điểm mới đáng nói nhất là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Mạng lưới Các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) mới ban hành tháng 7-2016 gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở GD-ĐH, được chia thành 4 nhóm.
Cùng với dự thảo trên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải hoàn thành đánh giá ngoài đến 31-12-2017. Việc thẩm định kết quả đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện cho đến hết ngày 30-6-2018.
Đánh giá về bộ tiêu chuẩn của dự thảo của Bộ GD-ĐT, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng: “Tuy vẫn còn một số quan điểm chưa nhất trí với việc áp dụng bộ tiêu chuẩn mới, nhưng có thể xem đây là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại. Nếu cầu toàn, đòi hỏi bộ tiêu chuẩn và quy trình phù hợp hơn nữa, thì chúng ta sẽ mất nhiều thời gian trong khi yêu cầu cấp bách là cần củng cố ngay chất lượng đào tạo của ngành”.
Chung một chuẩn chất lượng
Cả nước hiện nay có 235 trường ĐH (chưa tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh), trong đó trường ĐH NCL có 60 trường (chiếm 25,5%). Tính đến nay mới chỉ có 30/33 trường tham gia kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT đạt chứng nhận chất lượng quốc gia (chiếm khoảng 12,8%). Trong đó, mới có 2 trường ĐH NCL (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Duy Tân) được đánh giá đạt chuẩn chất lượng quốc gia.
GS-TSKH Bùi Văn Ga khẳng định: “Kiểm định chất lượng là một trong những hoạt động quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Để người dân biết được chất lượng đào tạo của trường thì tất cả các trường trong hệ thống giáo dục ĐH phải được kiểm định, đánh giá chất lượng bằng một thước đo chung. Kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện theo quy trình và bộ tiêu chí nghiêm ngặt và công bằng, không phân biệt trường công lập hay trường NCL. Đây là việc làm mới ở giáo dục nước ta nhưng đã trở nên quen thuộc với thế giới. Bằng tốt nghiệp, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia có giá trị khác biệt đối với những trường không đạt chuẩn. Do đó, các trường ĐH không còn cách nào khác là phải liên tục phấn đấu để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cho hệ thống giáo dục ĐH phát triển bền vững.
Trao đổi về quá trình thực hiện kiểm định chất lượng của các trường, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết: “Trong các tiêu chí đánh giá đều đòi hỏi xem xét toàn bộ quá trình, ví dụ từ xây dựng chương trình đào tạo, triển khai giảng dạy, học tập, cho đến mức độ hài lòng của người sử dụng sinh viên tốt nghiệp cũng như chính sinh viên đã tốt nghiệp. Đánh giá không chỉ định lượng, mà còn định tính. Các đoàn thực tế cũng đã sử dụng nhiều phương pháp khách quan, đa chiều nhằm lấy ý kiến của nhiều đối tượng liên quan (sinh viên, sinh viên đã tốt nghiệp, nhà tuyển dụng lao động...), đảm bảo việc đánh giá chất lượng là thực chất nhất có thể. Việc đánh giá được thực hiện một cách độc lập, không hề có sự thiên vị hay này nọ khi tiến hành đánh giá. Do đó, không thể có chuyện cho qua hay trường nào không đạt cũng được đánh giá đạt và trao chứng nhận được”.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam nhận định: “Chất lượng là điều cốt lõi tạo nên thương hiệu của một trường ĐH nhưng để làm nên chất lượng đòi hỏi một quá trình lâu dài cùng với sự quyết tâm, kiên trì của lãnh đạo và sự đồng lòng của tập thể nhà trường. Việc Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Duy Tân đạt chuẩn chất lượng quốc gia là minh chứng cho việc các trường NCL ngay từ đầu đã thực hiện chất lượng bằng cách mạnh dạn đầu tư vào chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học. Theo tôi đây là con đường đúng đắn không chỉ để chuẩn hóa các hoạt động trong trường, xóa nhòa ranh giới giữa trường ĐH công hay tư trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam và hướng đến hội nhập quốc tế”.