Thực trạng này cho thấy chất lượng các công trình giao thông đang có rất nhiều vấn đề cần được làm rõ. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
- PHÓNG VIÊN: Dư luận đang rất lo ngại về chất lượng các công trình giao thông hiện nay, ông đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề này như thế nào?
>> Ông TRẦN NGỌC HÙNG: Việc những công trình giao thông lớn được đầu tư hàng tỷ USD, được kỳ vọng là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng, của đất nước nói chung nhưng lại bị hư hỏng ngay sau khi đưa vào khai thác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Khi một công trình giao thông bị xuống cấp thì nó không chỉ mất an toàn giao thông trước mắt mà có nguy cơ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình, tốn phí hàng tỷ đồng để sửa chữa, hiệu quả khai thác sẽ bị giảm sút. Hơn thế nữa, thực trạng này cho thấy việc quản lý đầu tư của ngành giao thông đang rất lỏng lẻo, gây lãng phí ngân sách của nhà nước và nhân dân, làm mất lòng tin trong xã hội.
- Vậy theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng các công trình giao thông kém chất lượng, trong đó nguyên nhân nào là chính?
Nguyên nhân khiến chất lượng các công trình giao thông không đảm bảo có thể nằm ở tất cả các khâu trong suốt quá trình triển khai dự án, có thể là sai sót từ khâu khảo sát thiết kế, thẩm định hay thi công… Từ thực trạng các công trình giao thông tại Việt Nam bị xuống cấp trong thời gian qua có thể thấy, sai sót chủ yếu nằm ở phần thi công, do năng lực yếu kém của nhà thầu thi công. Thực tế, chúng ta đã làm nhiều con đường có chất lượng tốt, ví dụ như đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh, sau hơn 10 năm khai thác vẫn không xảy ra hư hỏng nào đáng kể. Đó là do các đơn vị thi công có năng lực tốt, có kinh nghiệm. Trong ngành xây dựng nói chung thì việc làm đường, kể cả đường cao tốc với những tiêu chuẩn rất cao cũng không phải khó, nhưng nhất thiết các đơn vị thi công phải có đủ năng lực về trang thiết bị, máy móc, công nghệ, nhân lực, có kinh nghiệm, đồng thời phải tuân thủ các quy trình, quy chuẩn. Trong quá trình triển khai dự án, nếu khảo sát kỹ, làm nền đường tốt, đổ đá đúng chiều dày, chất lượng vật liệu đúng tiêu chuẩn thì đường sẽ tốt. Tôi rất ngạc nhiên về thông tin đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tới 13 nhà thầu thi công, trong đó nhiều nhà thầu không có tên tuổi, kinh nghiệm làm đường cao tốc. Tình trạng này có lẽ cũng diễn ra ở nhiều dự án khác nữa. Vậy thì, chất lượng công trình kém cũng là điều dễ hiểu. Nhưng vì sao các nhà thầu yếu kém lại trúng thầu được các dự án lớn, đó chính là do chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về điều này.
- Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy định để quản lý chất lượng công trình giao thông, trong đó có quy định về năng lực, mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư, vậy vì sao các nhà đầu tư yếu kém vẫn nhận được dự án?
Thời gian qua, hầu hết dự án BOT giao thông lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, rất nhiều trong số đó viện dẫn lý do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký, tham gia, dẫn đến dự án rơi vào tay các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, năng lực và kinh nghiệm quản lý. Nhiều trường hợp chuyển nhượng dự án ngay từ khi chưa triển khai. Tôi đã từng nhiều lần nhắc đến chuyện trong giới xây dựng, chỉ cần đọc tên dự án BOT là biết của ai, một cú điện thoại là chuyển đổi nhà đầu tư, mà nhà đầu tư đó chưa từng có kinh nghiệm làm công trình giao thông. Hậu quả là nhiều dự án bết bát đến mức Bộ GTVT phải thay nhà đầu tư thì dự án mới triển khai tiếp được. Điều đáng lo ngại hơn nữa là mối quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu, thậm chí cả đơn vị giám sát đang có vấn đề, họ bắt tay nhau vì lợi ích các bên chứ không quan tâm đến lợi ích chung. Nếu tình trạng này còn tiếp tục thì chắc chắn chất lượng các công trình giao thông sẽ còn xuống cấp.
- Theo ông, việc phát hiện, xử lý sai phạm tại các công trình giao thông trong thời gian qua có thỏa đáng hay không?
Chúng tôi đang suy nghĩ là Bộ GTVT tự thanh tra thì có khách quan hay không? Những vụ việc lớn như dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thì Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc mới làm rõ được các sai phạm của các bên liên quan. Gần đây, báo chí có thông tin về việc một nhóm người dân đã chủ động theo dõi và phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và gửi thông tin cho các cơ quan chức năng, tiếc rằng những thông tin này đã không được xử lý thích đáng, công trình vẫn được nghiệm thu và đưa vào khai thác. Theo đúng luật định, trách nhiệm chất lượng công trình chủ yếu thuộc về chủ đầu tư, chủ đầu tư thuê nhà thầu, tư vấn giám sát nào thì đơn vị đó chịu trách nhiệm với chủ đầu tư. Tuy nhiên, đã có nhiều sai phạm được phát hiện nhưng sau đó lại xử lý không đến nơi đến chốn.
- Vậy theo ông làm thế nào để nâng cao chất lượng các công trình giao thông?
Về cơ bản, các quy định của pháp luật liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đã được quy định khá đầy đủ, chi tiết trong các luật, nghị định liên quan, đặc biệt là Luật Đấu thầu. Chỉ cần các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc là đủ. Bộ GTVT cũng đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công trình giao thông nhưng vấn đề là phải thực hiện chứ không phải đề ra rồi để đấy. Bên cạnh đó, phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tiêu đồng tiền mồ hôi nước mắt của người dân phải biết xót. Ở nước ngoài mà để xảy ra sai phạm ở các công trình lớn như thế thì nhiều quan chức sẽ phải từ chức. Tôi cũng muốn nói thêm là để đảm bảo chất lượng các công trình cần thêm cả trách nhiệm xã hội, đừng có khép kín mà phải cho người dân tham gia giám sát. Làm đường nông thôn ít sai phạm, vì có người dân giám sát chặt chẽ, đếm từng bao xi măng nên không thể thất thoát. Trước đây, Thủ tướng đã chỉ đạo làm mẫu 1km đường cao tốc xem chất lượng, giá thành ra sao để lấy làm chuẩn cho việc thực hiện các dự án cao tốc khác nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Rõ ràng ở đây các cơ quan chức năng vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình.
- Xin cảm ơn ông!