Sức hút của tranh lụa vẫn ở đó, nhưng sự du nhập và phát triển của nhiều chất liệu mỹ thuật từ phương Tây cùng câu chuyện thị trường khiến không ít nhà sưu tập trong và ngoài nước chấp nhận chi mạnh hơn cho tranh sơn mài, sơn dầu… Ngoài ra, một lý do nữa khiến tranh lụa trở nên lép vế là vì kỹ thuật vẽ lụa không dễ dàng chinh phục.
Triển lãm tranh lụa mang tên “Duyên tơ” của nhóm 6 họa sĩ: Nguyễn Thị Đỗ Quyên (TPHCM), Trần Thục Quyên (TPHCM), Hoàng Hồng (Quảng Bình), Tiểu Tân (Thừa Thiên Huế), Lương Hiền (Quảng Ninh), Xuân Nguyễn (Đồng Nai), diễn ra vào giữa tháng 3 vừa qua, khiến công chúng hội họa ngạc nhiên trước nhiều kỹ thuật vẽ lụa hiện đại, đủ mềm mại của chất liệu nền, nhưng cũng đủ dứt khoát, cứng cáp của bút pháp mới.
Chắc tay trong kỹ thuật dựng hình và tỉ mỉ trong khâu rửa lụa để tạo hiệu ứng sắc nét, họa sĩ Đỗ Quyên và Thục Quyên giới thiệu đến người xem tác phẩm vẽ trên hai tấm lụa rồi đặt chồng lên nhau, tạo hiệu quả huyền ảo, dày và đậm nét hơn để cân bằng sự mong manh của từng thớ lụa. Còn họa sĩ Hoàng Hồng thì chia sẻ: “Ở lụa có độ đằm nhất định, nhưng cũng tạo khoảng bay của cảm xúc ở biểu hiện vừa day dứt vừa lai láng mà màu sắc mang lại”.
Thử thách khả năng sáng tạo của chính mình, họa sĩ Xuân Nguyễn trưng bày những tác phẩm tranh lụa đủ các cung bậc đậm nhạt, cấu trúc chặt chẽ và cách tạo hình khúc chiết nhưng vững vàng đầy thuyết phục, chắc tay nhưng vẫn không làm mất đi chất lụa tinh khôi. Nhận xét về lối vẽ lụa ấn tượng này, họa sĩ Ngô Đồng bày tỏ: “Kỹ thuật vẽ lụa của Xuân Nguyễn làm tăng thêm một khả năng diễn tả, tạo hiệu quả mới cho tranh lụa, hơi khác so với lối vẽ tranh lụa mềm mại, nhẹ nhàng, quen mắt mà không ít người thường mặc định cho chất liệu này”.
Có thể thấy tranh lụa như một mệnh đề đứng riêng trong hội họa, từ tên gọi đã có sự khác biệt khi gọi là chất liệu nền chứ không phải chất liệu sáng tác bề mặt. Lụa vẫn vẹn nguyên sự mềm mại nhưng kỹ thuật, bút pháp để làm nên tác phẩm dịu dàng, thanh mảnh hay dày dặn, ấn tượng thuộc về mạch cảm xúc của mỗi họa sĩ… Sự trở lại với lụa của người đã có tên tuổi hay mạnh dạn bước vào lụa của nhiều họa sĩ trẻ, một lần nữa khẳng định vị thế của dòng tranh truyền thống.