Theo đó, chất liệu thân thiện với môi trường được nhà thiết kế này làm từ vỏ chuối và rong biển. Không giống như da thuộc và giả da tổng hợp, loại vải có tên gọi là Peelsphere giúp giảm bớt rác thải thực phẩm, có thể phân hủy hoàn toàn trên bề mặt Trái đất, đồng thời việc sản xuất chất liệu cũng không phát khí thải gây ô nhiễm. Chất liệu từ vỏ chuối và tảo có chức năng không thấm nước, có độ mềm khác nhau và có thể tạo hình bất kỳ tùy theo ý tưởng, phù hợp để gia công cả bìa cứng đựng tài liệu lẫn vải mềm để may quần áo.
“Tôi đam mê nghiên cứu vật liệu sinh học và phát triển bền vững. Mục đích của tôi là truyền cảm hứng và đóng góp một phần công sức của mình cho một hành tinh tốt đẹp hơn bằng các vật liệu mới thân thiện môi trường cũng như chiến lược phát triển bền vững”, nhà thiết kế Song chia sẻ.
Xu hướng thời trang thân thiện môi trường phát triển khá mạnh thời gian qua. Trước nhà thiết kế Song, công ty khởi nghiệp MycoWorks của Mỹ đã giới thiệu một giải pháp để thay thế đồ da thuộc khi phát triển chất liệu thô từ sợi thân nấm để sản xuất quần áo và phụ kiện.
Theo các chuyên gia, chất liệu này không hề thua kém chất liệu da thật về cảm nhận xúc giác và đặc điểm bên ngoài, nhưng lại bền và an toàn cho môi trường hơn nhiều lần.