Ông Đỗ Văn Đông nhấn mạnh, các quy định về phân phối thuốc được nêu tại Nghị định 54/2017 là rất cần thiết trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư, không làm ảnh hưởng đến những công ty FIE có hoạt động lành mạnh, phù hợp với các quy định của pháp luật. Qua đó, giúp đảm bảo an ninh y tế, kiểm soát được giá thuốc, tạo điều kiện phát triển ngành dược để có thể chủ động trong việc cung ứng thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc tại Việt Nam.
Tuy nhiên 10 năm qua, khi Việt Nam ký kết hiệp định và tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền sản xuất thuốc của Việt Nam vẫn ở thời kỳ đầu của phát triển, các doanh nghiệp (DN) chủ yếu đầu tư gia tăng số lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, chưa tập trung phát triển mạnh kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường.
Ảnh minh họa
Đa phần các DN sản xuất tự tổ chức phân phối nhỏ lẻ, thị trường manh mún, nên “miếng bánh” phân phối thuốc vẫn thuộc về các DN nước ngoài một cách không chính thống. Cục Quản lý dược chỉ rõ, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FIE) có đăng ký hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam đã liên kết với DN dược trong nước để thực hiện việc “phân phối núp bóng”.
Tức là, các DN dược của Việt Nam nhập khẩu rồi bán thuốc theo sự điều khiển của các DN FIE ở tất cả các khâu, từ quy định giá bán, đối tượng bán, đến thời điểm xuất kho, phương pháp tiếp thị, nhận đơn đặt hàng, vận chuyển, thanh toán. Hoạt động của các DN dược Việt Nam trong mối liên kết này phụ thuộc hoàn toàn vào các DN FIE và chỉ được hưởng một khoản phí rất thấp, khoảng 0,3%.
Thống kê năm 2016, chỉ với 3 DN FIE hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam (công ty mẹ tại nước ngoài cung cấp thuốc), doanh số phân phối thuốc tại Việt Nam đã là 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng giá trị thuốc thành phẩm nhập khẩu và khoảng 30% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng một năm (4,2 tỷ USD).
Đáng báo động, con số này có xu hướng tiếp tục tăng, đồng nghĩa với doanh số phân phối của các DN Việt Nam có xu hướng giảm. Ông Đỗ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, chia sẻ, nếu tiếp tục để các DN FIE được phân phối trá hình như hiện nay thì ngoài việc các DN dược Việt Nam bị giảm thị phần, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sản xuất thuốc, mà nguy hiểm hơn là ngành dược trong nước sẽ ngày càng lệ thuộc vào một số DN FIE. Các DN này hoàn toàn có thể thao túng giá thuốc, điều phối thị trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh y tế, cũng như kiểm soát giá thuốc.
Tuy nhiên, sau khi Luật Dược 2016 được thực thi và Nghị định 54/2017 có hiệu lực đã góp phần minh bạch hóa và ngăn chặn được tình trạng “phân phối núp bóng” dược phẩm. Theo Cục Quản lý dược, Nghị định 54/2017 nhằm triển khai nội dung cam kết đa phương và song phương với quốc tế, quy định chi tiết hoạt động liên quan đến phân phối thuốc mà DN FIE không được thực hiện tại Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo quyền nhập khẩu thuốc của các DN này.
Theo đó, Nghị định 54/2017 quy định rõ, DN FIE không được nhận vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc; không xác định, áp đặt giá bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối; không quyết định chiến lược phân phối, chính sách kinh doanh của thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối.