Tôi nhớ đến câu chuyện của một người cùng quê, anh là Th., sinh ra và lớn lên ở vùng Cùa (gồm hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ , tỉnh Quảng Trị). Đấy là nơi mà cứ đi dọc đường thôn, tầm 50m lại có một gia đình có con cái bị ảnh hưởng chất độc da cam. Sinh ra và lớn lên ở “thôn da cam” nhưng Th. vẫn đẹp trai, khỏe mạnh, tháo vát… Thế nhưng, bởi hai em trai của anh bị ảnh hưởng chất độc da cam, thân xác co quắp tội nghiệp, đã khiến các cô gái làng không ai đủ dũng cảm để chọn Th. làm chồng. Và Th. rời quê vào Bình Dương xin làm công nhân. Th. giấu biệt thân phận. Một cô gái đã yêu anh, nhưng Th. vẫn không đưa vợ về quê, ngày cưới bố mẹ vào dự lễ cho hai người thành vợ chồng. Rồi vợ anh có bầu. Sau này Th. kể lại, đó là những ngày dài anh sống trong trĩu nặng âu lo. May mắn thay, vợ anh trở dạ, hạ sinh đứa con trai khỏe mạnh, “đầy đủ các bộ phận”. Nhưng vẫn chưa yên tâm, Th. chờ thêm vài năm, khi con mình lớn lên như một đứa trẻ bình thường về thể chất và trí tuệ, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Thêm vài năm sau, khi đứa con thứ hai ra đời và cũng khỏe mạnh, anh mới dám đưa vợ con về làng. Người vợ ngỡ ngàng nhưng cũng chấp nhận vì con mình may mắn không chịu ám ảnh chất da cam trên miền đất quê chồng.
Nhắc lại câu chuyện bỏ làng ra đi tìm hạnh phúc của Th. từ gần hai mươi năm trước, để hiểu thêm rằng, có những niềm đau không chỉ hiển lộ trên từng thân phận. Nỗi đau và niềm may mắn của Th. là một phần chìm khuất khác mà không phải ai cũng hiểu.
Được phân công theo dõi mảng thông tin về vấn đề ảnh hưởng của chất độc da cam từ khá sớm, tôi đã lần theo khá nhiều nhân chứng mà nếu không tiếp cận họ sẽ không thể nào hình dung được! Năm 1997, khi tôi về tỉnh Thái Bình để thực hiện tuyến bài về chất độc da cam, tôi đã gặp anh Lê Văn Lớp ở huyện Hưng Hà. Đó là người lính trở về từ chiến trường. Anh lập gia đình và sinh liên tục 10 đứa con nhưng không một bé nào trọn vẹn hình hài. Khi tôi hỏi: Lẽ ra với 2-3 đứa con đầu mà như thế anh nên dừng lại chứ? Anh Lớp khóc nghẹn: Hồi đó có ai biết hậu quả chất độc da cam là gì đâu! Tôi từ chiến trường về, hàng xóm thấy sinh con như thế bảo do tôi ăn ở độc ác nên Ông Trời bắt thế. Uất vì tiếng xì xào ấy mà tôi quyết đẻ cho có đứa con lành lặn thì thôi. Và rồi khi đứa thứ 10 vẫn là một thai nhi dị dạng thì tôi mù hẳn. Tôi có lỗi với những đứa con!
Chắc anh Lớp không biết cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh bền bỉ miệt mài suốt gần nửa thế kỷ qua, và cho dù đã gây được tiếng vang nhưng kết quả của cuộc đấu tranh này vẫn chưa được như mong muốn. Tôi có biết PGS-TS Lê Kế Sơn, người từng là Giám đốc Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 33) và ông cũng là đồng tác giả cuốn sách “Từ kẻ thù thành đối tác - Việt Nam, Hoa Kỳ và chất da cam” với TS Charler Bailey. Với tôi, ông cũng là một trong số những người hiểu rõ nhất về thực trạng và hậu quả chất da cam ở Việt Nam. Tháng trước, khi Phó Thủ tướng Vũ Khoan từ trần, ông Lê Kế Sơn nhắc lại kỷ niệm trong một lần phỏng vấn ông Vũ Khoan trong câu chuyện liên quan cuốn sách kể trên, ông có hỏi khi nào thì câu chuyện chất da cam ở Việt Nam kết thúc. Ông Vũ Khoan đã trả lời: Vấn đề không phải là khi nào kết thúc mà là chúng ta phải làm gì để kết thúc!
Và điều đúc kết theo PGS-TS Lê Kế Sơn là sửa chữa sai lầm trong quá khứ không có gì tốt hơn là sự hòa giải và cùng nhau phát triển. Để từ chính sự phát triển ấy, phải biết làm sao cho những nỗi đau da cam sẽ không còn lặp lại, những nạn nhân của chất độc da cam sẽ được chăm sóc tốt hơn, xứng đáng hơn!