Chật cứng tại lễ hội tranh đầu pháo bên sông Kỳ Cùng

Sáng nay 7-3, hàng ngàn người dân ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang và du khách ở muôn phương đã kéo về trẩy hội Kỳ Cùng - Tả Phủ (Lạng Sơn) với màn đặc biệt là “tranh đầu pháo”.

TP Lạng Sơn thuộc tỉnh biên giới Lạng Sơn, nơi có các địa danh - di tích nổi tiếng, đi vào dân ca, nhạc cổ như sông Kỳ Cùng, chợ Kỳ Lừa, chùa Tam Thanh, núi nàng Tô Thị…

Nơi đây, hàng năm có rất nhiều lễ hội dân gian, nhưng lễ hội lớn nhất, đông đúc nhất ở quy mô cả vùng Cao - Bắc - Lạng, chính là lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ.

img-6897-4102.jpeg
Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ khai hội từ ngày 2-3 đến nay. Ảnh: CTV
img-6898-6855.jpeg
Lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ năm 2024

Khác với nhiều lễ hội ở trong vùng, lễ hội này diễn ra 6 ngày (từ ngày 2 đến 7-3, tức ngày 22 đến 27 tháng Giêng) với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc xứ Lạng. Trong đó, thu hút nhiều khách du lịch nhất là hai ngày 22 và 27 tháng Giêng.

img-6894-433.jpeg
Từ ngày 2-3, đông đảo người dân kéo về trẩy hội đền Kỳ Cùng (Lạng Sơn)

Đúng giờ ngọ ngày 22 tháng Giêng (tức ngày 2-3 vừa qua) diễn ra lễ rước kiệu quan lớn Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) sang đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) cách 2km. Đến ngày 27 tháng Giêng lại rước quan lớn Tuần Tranh về đền Kỳ Cùng.

Tâm điểm của lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ là màn tranh đầu pháo, diễn ra tại đền Tả Phủ vào ngày 7-3 (27 tháng Giêng).

img-6883-2600.jpeg
Tâm điểm của lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ kéo dài 6 ngày chính là màn tranh đầu pháo vào ngày 7-3

Đầu pháo được treo trên cây tre cao khoảng 15m, bên trong đầu pháo, có một vòng kim loại nhỏ, nối với đầu pháo là hai dây pháo cháy chậm buông xuống sát đất. Khi pháo được đốt, đầu pháo nổ và vòng kim loại bay lên không trung, mọi người chờ vòng kim loại rơi xuống để nhặt.

Tín ngưỡng ở đây tin rằng, người nào tranh (nhặt) được đầu pháo sẽ có nhiều tài lộc, may mắn. Do đó, đây cũng là sự kiện được nhiều người háo hức chờ đợi, muốn thử vận may đầu năm...

img-6884-9155.jpeg
Hồi hộp tranh vòng kim loại từ đầu pháo để lấy may, sáng 7-3 tại TP Lạng Sơn

Từ đêm qua 6-3, hàng ngàn người dân và khách du lịch thập phương đã kéo về TP Lạng Sơn để hát hò, nhảy múa, xem bắn pháo hoa, ăn uống chờ lễ hội tranh đầu pháo. Hầu hết các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn, nhà hàng… đều kín chỗ, kín lịch đặt phòng, đặt bàn.

img-6886-6178.jpeg
Từ tối 6-3, người muôn phương đã kéo về TP Lạng Sơn
img-6893-7413.jpeg
Đặc sản và cũng là đặc trưng ở tỉnh Lạng Sơn vào lễ hội là heo quay
img-6892-4188.jpeg
Hội thi heo quay. Đâu đâu cũng có món heo quay

Đây là lễ hội mà người dân ở Lạng Sơn mong chờ nhất trong năm, khách du lịch cũng háo hức tham gia lễ hội kết hợp lễ bái tại các ngôi đền gắn với tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, tứ phủ (đạo mẫu, vốn là tín ngưỡng nguyên thủy - tín ngưỡng gốc ở Việt Nam, có lịch sử hàng ngàn năm).

Tin cùng chuyên mục