Những chuyến xe từ các tỉnh miền Tây Nam bộ phần lớn là xe máy, vì khoảng cách địa lý từ các tỉnh, thành miệt vườn với TPHCM, đủ để người lao động ráng cầm lái về quê để đỡ một phần tiền vé. Và chuyến xe ngày trở lại thành phố cũng thật khác, người ta dẫu về quê tay không, hay quà cáp bao la thì ngày trở lại thể nào cũng có mớ quà quê.
Những chuyến xe cố gắng thêm chút nào hay chút nấy, treo phía trước, gắn phía sau, hay tiện chỗ nào thì cứ gắn mớ rau trái cây nhà lá vườn, mớ bánh mứt nhà làm, hay vài đòn bánh tét gia đình tự tay gói… Cứ thế mà quà quê theo chân người miệt vườn lên phố, để ăn hay làm quà tặng nhau dịp đầu năm.
Trở lại thành phố từ ngày mùng 4 tết, trên xe lủng lẳng mấy đòn bánh tét mẹ gói, chị Phan Thị Thu Thủy (38 tuổi, quê Cần Thơ, ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Quà quê có chút đỉnh vậy thôi hà, nhưng đám bạn cùng phòng trọ với tui thích lắm, bánh tét này do mẹ và mấy dì gói, không đẹp như mua ngoài tiệm, nhưng chất lượng lắm. Bánh được gói chặt, nấu không có bị nong nước, ba tui cũng canh củi canh lửa để bánh chín đều đẹp luôn, ăn một miếng với củ kiệu, dưa món là thấy đủ cái tết rồi đó”.
Vài hũ mứt gừng nhỏ của chị Nguyễn Thị Hà (30 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) cũng đủ góp chuyện cho xóm trọ nhỏ trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8, TPHCM) thêm xôn xao. Có miếng gừng sên lỡ tay hơi khét, ấy vậy mà bạn cùng phòng trọ với chị Hà cứ nhóp nhép không ngừng, bởi đồ quê an toàn, không phẩm đã đành, ấm hơn cả là cái tình của bà mẹ quê gửi thầm trong đó.
“Nhà quê thì có gì ngoài mớ bánh mứt nhà làm, gừng này cũng nhà trồng rồi má tui lấy sên mứt, có miếng bị khét vì canh lửa lỡ tay. Nhưng đem lên này, bạn bè yên tâm mà ăn, không lo hóa chất gì hết. Năm nào ăn tết lên, má tui cũng nhét theo túi xách, để làm quà cho mấy đứa cùng phòng, ăn ấm bụng”, chị Hà chia sẻ.
Sức con trai, nên chuyến xe trở về thành phố của anh bạn tôi hồi đại học cũng lỉnh kỉnh các thể loại quà quê. Bánh mứt, trái cây, khô cá… không thiếu món nào, bởi từng ấy đồ ăn không phải chỉ để no cái bụng mà còn là chút chắt chiu của bà mẹ gửi gắm cho đứa con xa nhà. Có bà mẹ gửi chút hy vọng cho thằng Ba, hay con Út trong nhà học hành đỗ đạt nơi thị thành, hay gửi gắm mong ước thành đạt cho đứa con trai, con gái lớn mần ăn xa…
Một năm mới bắt đầu, hẳn là nhiều mong cầu mơ ước, người ta gửi vào năm mới hy vọng an lành, mần khấm khá, hay học hành đỗ đạt và người xa quê còn gửi gắm nơi thị thành một niềm tin lập nghiệp trên những hành trình mưu sinh. Thị thành có tốt, có xấu, có hay, có dở, hay thế nào đi nữa cũng là tùy vào cách nhìn của mỗi người, nhưng ắt hẳn nơi này chưa bao giờ từ chối một ai tìm đến, hay khước từ những giấc mơ mưu sinh, lập nghiệp…