Đa dạng tour liên kết
Cuối năm 2020, bà Nguyễn Lê (68 tuổi, ngụ trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM) lên lịch cho hành trình rong ruổi khám phá vẻ đẹp Việt Nam. Bà Lê thường cùng nhóm bạn đi du lịch châu Á, Mỹ, Anh, Pháp… Năm nay do dịch bệnh, nên nhóm bà chuyển hướng vui chơi trong nước, tham quan đỉnh Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, dòng Nho Quế (Hà Giang). Sau tour du lịch Đông Bắc, bà Lê dự định cùng gia đình đi Tây Bắc vào đầu Xuân Tân Sửu 2021, bởi theo bà: “Đất nước mình đẹp quá. Tiếc là, tôi đã không đi nhiều và sớm hơn khi còn trẻ”.
Nói về kế hoạch đón khách, lãnh đạo Saigontourist Group cho biết, đã chuẩn bị sẵn 5 kịch bản ứng phó, gồm: giãn cách xã hội, bãi bỏ giãn cách xã hội để “Sống chung an toàn với dịch”, khi Việt Nam công bố hết dịch, Việt Nam và một số nước công bố hết dịch, thế giới công bố hết dịch. Đồng thời là các chương trình, giải pháp cụ thể trong phòng chống dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe cho khách hàng, người lao động. Công ty Lữ hành Saigontourist cũng thông tin, hàng năm đơn vị đặt mục tiêu phát triển ít nhất 3 tour mới liên quan đến từng vùng miền như Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung. Chẳng hạn, trong hành trình kết nối du lịch TPHCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, công ty xây dựng 3 tuyến du lịch điểm, gồm “Tây Bắc bản anh hùng ca”, “Hương sắc vùng cao”, “Về miền đất Tổ”.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông marketing Công ty TST tourist, nhìn nhận, sự quảng bá, liên kết chặt chẽ giữa TPHCM với các tỉnh thành giúp phát triển hệ thống tour, tuyến mới mạnh mẽ hơn. Một số địa phương vốn ít thu hút du khách như Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Phước hay huyện Cần Đước, Mộc Hóa (Long An)… nay được quan tâm hơn nhờ những tour hoàn toàn mới của các doanh nghiệp TPHCM. Bên cạnh đó, tour một ngày trải nghiệm TPHCM như: Khám phá cụm di tích Biệt động Sài Gòn, Làm nông dân công nghệ cao ở huyện Củ Chi, Khám phá Sài Gòn bằng xe buýt 2 tầng mui trần Hop on - Hop off, Đi bus đường sông… đang dần hút khách. Qua đó, thu hút khách ngoại tỉnh có tối thiểu một đêm lưu trú ở TPHCM, hỗ trợ phát triển trở lại của hệ thống lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm và kinh tế đêm của thành phố.
Số hóa sản phẩm
Các doanh nghiệp nhìn nhận, thời gian dịch bệnh cũng là thời điểm vàng để du lịch Việt Nam khai thác yếu tố an toàn, tạo sự khác biệt, thu hút sự quan tâm của thế giới trong các chiến dịch quảng bá sau dịch. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị truyền thông Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho rằng, việc kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp đã tranh thủ tái cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp; đồng thời áp dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, phát triển sản phẩm. Do vậy, trước Tết Tân Sửu 2021, nhiều đoàn khách đã gọi điện tìm hiểu, đặt tour đến các tuyến điểm hot, có lịch sử y tế an toàn như Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Lạt…
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thông tin, các chương trình quảng bá cũng là dịp đẩy mạnh “Đề án du lịch thông minh”, tối ưu hóa hiệu quả xúc tiến mở rộng thị trường, hoàn thành mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Sở Du lịch TPHCM đã triển khai số hóa các điểm đến du lịch với giao diện 3D, công nghệ thực tế ảo, giao diện ảnh 360… Theo ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng, tăng tính cạnh tranh. Trong hệ thống Vinpearl, đơn vị đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, mức tăng trưởng gấp 3 lần so với bình thường. Trong năm 2021, Vinpearl triển khai ứng dụng Vinpearl Experience giúp khách rút ngắn thời gian đặt phòng dưới 2 phút…
Xuân Tân Sửu 2021 mở ra với hàng loạt sản phẩm, phương thức tiếp cận khách hàng theo hướng tiện lợi, an toàn. Ngành du lịch TPHCM nói riêng, cả nước nói chung đã và đang thể hiện nội lực, chắt chiu cơ hội đón khách, chủ động hồi sinh sau Covid-19.