Tấm lòng hào hiệp
Nằm ở cuối đường Đinh Tiên Hoàng, góc giao với đường Võ Thị Sáu và Nguyễn Phi Khanh (quận 1), tiệm uốn tóc Đức Mifa ở số 196 là địa chỉ quen thuộc của các chị em có nhu cầu làm đẹp. Tiệm đã được mở từ năm 2013, từ ấy đến nay tiệm gắn liền với một hoạt động khá thân thiện: bữa cơm nhân ái. Anh Trần Hữu Đức, chủ tiệm tóc Đức Mifa, cho biết: “Hồi đầu, tiệm chỉ phát cơm từ thiện mỗi tháng 2 lần vào mùng 1 và 14, giờ tăng lên mỗi tháng 3 lần: mùng 5, 14 và 23. Ban đầu phát cơm vào ngày âm lịch, nhiều người khó nhớ, nên bây giờ chuyển sang ngày dương lịch. Vừa làm tóc cho khách, rảnh tay thì tôi và chị em thợ cùng lo cơm cho bà con nghèo. Tôi đặt cơm cho người quen ở Gò Vấp nấu giùm, rồi vào hộp, chuyển đến. Cơm từ thiện không phải nấu sao cũng được, mà phải nấu ngon lành đàng hoàng, có cơm canh, thức ăn và cả tráng miệng”. Chuối thì đặt mua ở chợ Bà Chiểu, canh đặt nấu bên đường Trần Khắc Chân. Mỗi lần phát 250 phần, người đến nhận đông quá nên tiệm phải phát phiếu, tổng cộng mỗi lần phát cơm, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Tiệm Đức Mifa không lớn, khách cũng kha khá, cái chính ở tấm lòng của anh Đức: “Mình làm được chút đỉnh thì nhín ra giúp bà con, được cái khi thấy tiệm phát cơm từ thiện như vậy, nhiều khách hàng đến làm tóc cũng tham gia ủng hộ”.
Cách đó không xa, xuôi về quận Bình Thạnh, tiệm cà phê mang tên Nắng Cà Phê trên đường Hoàng Hoa Thám của người chủ trẻ tên Dũng cũng là một địa chỉ quen thuộc của người nghèo. Tháng nào cũng vậy, cứ mùng 1 và 15 là anh Dũng lại đặt chiếc bàn nhỏ dưới bóng cây lộc vừng: buổi sáng có bánh bao từ thiện, với 50 phần bánh bao và 50 phần sữa. Đến trưa, tầm 11 giờ, có 50 phần cơm chay được bày ra. Bánh bao và sữa vừa hết thì cơm lại vừa đến.
Chân thành nghĩ đến người nghèo
Anh Dũng tâm sự: “Tôi bán cà phê lời chẳng bao nhiêu, nhưng vẫn dặn lòng dành chút tiền để chia sẻ với người nghèo. Chi phí cho 2 lần phát bánh, sữa, cơm trong tháng chừng 1 triệu đồng là tiền tiết kiệm. Sau này có một vị khách quen vốn là thầy giáo thấy vậy nên thỉnh thoảng cũng góp thêm chút đỉnh. Người đến nhận bánh, sữa, cơm là những người rất nghèo. Nghèo khó thì mới đến nhận, dư dả thì ai lấy làm gì. Có người lần nào cũng đến lấy 5 suất ăn, sau này tôi mới biết nơi họ sống là căn nhà lụp xụp bên con hẻm nhỏ ở đường Tăng Bạt Hổ với 4 người già yếu. Do vậy, những suất ăn mình trao đi không phải tiếc”.
Cũng vậy, chủ tiệm Đức Mifa kể: “Có lần máy sấy tóc bị hư, tôi mang qua bên đường Nguyễn Phi Khanh tìm thợ sửa. Con đường đẹp vậy mà vào sâu bên trong hẻm nhỏ vẫn thấy có những căn nhà lụp xụp, tồi tàn. Nhiều người đã nhận ra tôi, và tôi cũng nhận ra một bà chị quen quen, ăn mặc sạch sẽ nhưng lần nào cũng đến xin 4 - 5 phần, hóa ra là chị mang về giúp các cụ neo đơn ở đây. Tôi cảm thấy thực sự ấm lòng khi được nhiều người nghèo quý mến, dù rằng tôi không làm được điều gì to tát, chẳng qua là một chút sẻ chia với bà con nghèo”.