Ở đó không còn sự rụt rè của những cô cậu thanh niên nông thôn ngày ngày làm bạn với vườn rau, ao cá. Mà đó là sự xởi lởi trong giao tiếp, sự khéo léo khi chào hàng.
Những bài học quý
Vừa cân rau, gói hàng cho khách, Trần Kiều Mai (ngụ tại Củ Chi, TPHCM) vừa giới thiệu mình là một nông dân thứ thiệt, chỉ học hết lớp 9 và trước khi tới với phiên chợ xanh thì rau nhà trồng luôn bị ế ẩm nhất chợ bởi không đẹp và mướt mát như rau nhà người ta. Có lẽ chính cái tính ương bướng “truyền thống” của gia đình Mai nên thà rau xấu, bị chê đến mức “rẻ thối” thì gia đình Mai vẫn không dùng thuốc để phun, để kích. “Hàng xóm nói nhà em bị khùng, thương lái nói nhà em cố chấp, ba mẹ chỉ cười trừ”, giọng cô bé 20 tuổi có chút gì đó thoáng buồn nhưng xen đó là niềm tự hào.
Đến với Phiên chợ xanh tử tế, với Mai, đây là trường học. “Em không biết tương lai dự án rau sạch của mình sẽ đi tới đâu nhưng hiện tại em đã có lời, đó là những kiến thức mà em học được từ BSA”, Mai khoe. Từ một hộ trồng rau theo kinh nghiệm dân gian, qua BSA, Mai cùng gia đình đã được các chuyên gia xuống tận nơi để tìm hiểu về chất đất, về giống cây trồng và các kỹ thuật để rau phát triển tốt, khỏe, tránh sâu bệnh mà vẫn đạt chuẩn rau hữu cơ sạch. Đặc biệt, với Mai việc được cọ xát với các cách bán hàng, kỹ năng tiếp thị sản phẩm để đưa sản phẩm ra thị trường, xây dựng thương hiệu cho vườn rau của mình mới là điều vô giá.
Nhiều năm nay, thanh niên TPHCM cũng không lạ gì với BSSC - Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, họ gọi nơi này với cái tên thân thương “nơi chắp cánh cho những ý tưởng được hiện thực hóa”. Với Đỗ Hữu Tân, 28 tuổi, có được những bước đầu thành công trong sự nghiệp của riêng mình, cậu không thể nào quên ngày mà ý tưởng hộp Magix - các kiểu hộp tiện ích phục vụ cho thương mại điện tử đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo” và nhận được hỗ trợ của BSSC. Bẻ hướng từ một kỹ sư điện sang hoạt động trong lĩnh vực sáng chế và tối ưu sản phẩm hộp giấy, với Tân là điều dường như khó có thể thành hiện thực nếu không có BSSC đồng hành. Cũng như các thanh niên trẻ khác, ý tưởng sáng tạo thì có nhưng kinh nghiệm để đưa những sản phẩm sáng tạo của mình ra thị trường mới là vấn đề khó khăn mà Tân gặp phải.
Ở BSSC, Tân có được một văn phòng mini để làm bước đệm cho những ước mơ vươn xa hơn nữa, được hỗ trợ những kinh nghiệm thực tế khi bắt đầu bước vào “thương trường”, đó là bài học lớn mà không học được trong trường học.
Nơi ý tưởng được chắp cánh
TPHCM là một trong những thành phố tụ hội nhiều người trẻ khởi nghiệp nhất nước. Sở dĩ nói như vậy bởi hiện nay TPHCM có nhiều trung tâm hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, từ những dự án về nông nghiệp đến sản xuất và nổi bật nhất là Startup - những dự án về công nghệ.
Bà Vũ Kim Anh, phụ trách dự án Sáng tạo khởi nghiệp của BSA trăn trở: “Bây giờ nhà nhà khởi nghiệp, ai cũng nói chuyện khởi nghiệp. Thế nhưng khởi nghiệp có bền vững không và người ta giúp gì cho mấy em khởi nghiệp mới là điều quan trọng”. Không đợi câu trả lời, suốt từ năm 2013 đến nay, bà Kim Anh cùng đội ngũ BSA rong ruổi khắp các tỉnh thành trên cả nước, đến những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, nơi mà những người trẻ tìm đến gõ cửa BSA. “Các em cần gì?”. Đó là câu hỏi thường trực mà BSA phải đi tìm đáp án.
Sau 3 năm, những bước chân không mệt mỏi của BSA đi tới tận những miền đất xa nhất của đất nước để “đỡ đầu” các dự án, đến nay đã có hàng trăm bạn trẻ đang khởi nghiệp từ sự hỗ trợ của BSA. “Đó là những dự án vừa và siêu nhỏ, thành công vài bữa rồi lại thất bại đó, nhưng cái chính là các em không nản chí, vẫn tiếp tục thực hiện ý tưởng của mình bằng những kinh nghiệm được chia sẻ, bằng những kỹ năng được truyền đạt và bằng chính những thất bại đã trải qua. Và khi nghe thấy ai đó nhận xét rằng, họ mua và tin dùng sản phẩm của các bạn trẻ chính là nhờ uy tín của BSA, chỉ vậy thôi cũng đủ để BSA vững bước đồng hành cùng các bạn trẻ khởi nghiệp”, bà Kim Anh trải lòng.
Quy mô hơn, đa dạng hơn và nổi bật là các dự án về khởi nghiệp mà BSSC đang đồng hành. BSSC ra đời từ tháng 10-2010, bắt đầu hoạt động năm 2011 với các chương trình nổi bật như hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp; đào tạo khởi nghiệp; ươm tạo doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp; hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm và kết nối đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ của các mô hình khởi nghiệp; liên kết, hợp tác quốc tế trong cộng đồng khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động truyền thông, sự kiện cho cộng đồng khởi nghiệp…
Từ năm 2011 - 2015, về tài chính, hơn 750 dự án được hỗ trợ bởi quỹ khởi nghiệp BSSC. Bước sang giai đoạn mới 2016 - 2020, nguồn quỹ dự kiến nâng quy mô lên 100 tỷ đồng với mục tiêu hỗ trợ và tạo nền tảng phát triển cho 1.000 mô hình khởi nghiệp. Chương trình Vườn ươm doanh nghiệp trẻ cũng ghi dấu ấn khi hỗ trợ toàn phần và bán phần cho khoảng 650 thành viên có những nền tảng để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Cuộc thi khởi nghiệp mang tên: STARTUP WHEEL - Bánh xe khởi nghiệp là một trong những cuộc thi uy tín, nơi thu hút hàng ngày mô hình khởi nghiệp độc đáo, sáng tạo. Để gia tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp, sàn giao dịch và đầu tư khởi nghiệp cũng là cầu nối để các nhà đầu tư tìm được dự án tốt từ các mô hình khởi nghiệp của người trẻ… Qua đó, có hàng trăm dự án đã nhận được sự tài trợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân, gắn kết các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, từ tổ chức ươm tạo doanh nghiệp, các Hiệp hội, các doanh nhân, cơ quan truyền thông, người tiêu dùng…
Tuy sinh sau đẻ muộn, mãi đến tháng 9-2015 mới bắt đầu hoạt động nhưng Trung tâm Sáng tạo và ươm mầm doanh nghiệp (NIIC) của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng đã từng bước có những hỗ trợ cho các sinh viên trên hành trình biến ý tưởng thành hiện thực. Không gói gọn đối với sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, NIIC mở rộng sự hỗ trợ đến với tất cả sinh viên trên địa bàn TPHCM và các bạn trẻ có ý chí, đam mê khởi nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ và hoạt động giúp nâng cao năng lực cá nhân, nhóm sáng lập; xây dựng đội ngũ; hoàn thiện ý tưởng và từng bước triển khai, phát triển ý tưởng đó.