Dịp này, các nhà khoa học đã ôn lại lịch sử phát triển, sứ mệnh của ICTP trong ngăn chặn sự chảy máu chất xám trong khoa học từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ngăn chặn chảy máu chất xám khoa học
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (tại Pháp), chia sẻ, sứ mệnh quan trọng của ICTP là giúp ngăn chặn sự chảy máu chất xám trong khoa học từ các nước đang phát triển. Cụ thể, cung cấp cho các nhà khoa học ở các nước đang phát triển những kỹ năng và cơ hội đào tạo liên tục, cần thiết để họ theo đuổi sự nghiệp khoa học lâu dài và hiệu quả. ICTP thiết lập ra các giải thưởng lớn (như giải thưởng Dirac, giải thưởng ICTP, giải thưởng Ramanujan) để tôn vinh các nhà khoa học. Trong đó, giải Dirac của ICTP rất nổi tiếng, 85% nhà khoa học đoạt giải thưởng này sau đó đều nhận được giải Nobel Vật lý.
Tại Việt Nam, các giải thưởng của ICTP được trao cho nhiều nhà khoa học như: PGS-TS Lê Hồng Vân, giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ từ các nước phát triển (năm 1991); GS Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago, Mỹ) được tặng huy chương Dirac; GS-TSKH Phạm Hoàng Hiệp, giáo sư trẻ nhất Việt Nam nhận được giải thưởng toán học Ramanujan của ICTP. “Trong giai đoạn 1970 đến 2011, ICTP đã giúp đỡ 1.123 nhà khoa học Việt Nam bằng nhiều hình thức. Có khoảng 70 nhà khoa học Việt Nam đang cộng tác cho ICTP trong các giai đoạn khác nhau. Đặc biệt, từ năm 1996, mỗi năm trung bình ICTP tài trợ cho các hoạt động khoa học của Việt Nam 120.000 EUR/năm, đến năm 2011 tổng tài trợ trên 1,9 triệu EUR”, GS Trần Thanh Vân cho biết.
Hiện nhiều viện nghiên cứu lớn ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM... đang tham gia các chương trình liên kết của ICTP. Ngoài ra, tại Đại học Quy Nhơn đang có 10 nhà khoa học trẻ thuộc khoa Toán và Thống kê từng nhận học bổng tại ICTP, trong đó có 2 phó giáo sư, 8 tiến sĩ hiện đang tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao ở khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên. “ICTP đóng vai trò quan trọng trong phát triển Toán học Việt Nam. Với chương trình Diploma trong lĩnh vực Toán học, ICTP đã giúp tài trợ kinh phí một phần cho các giảng viên, nghiên cứu viên Toán học, góp phần đào tạo nguồn giảng viên chất lượng cao trong nước”, PGS-TS Lê Công Trình, Trưởng Khoa Toán và Thống kê, Đại học Quy Nhơn, chia sẻ.
Triển vọng phát triển Vật lý bậc cao ở Việt Nam
Tại hội nghị “PASCOS - Hạt, dây và vũ trụ học” lần thứ 29, PGS-TS Phạm Ngọc Điệp, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam VNSC, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, đã có bài trình bày quốc tế về thực trạng, phát triển Vật lý thiên văn ở Việt Nam. Hiện Việt Nam đã thành lập Hội Thiên văn Vũ trụ và đã có 3 đài quan sát thiên văn đủ điều kiện nghiên cứu ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), TP Quy Nhơn (Bình Định). Đặc biệt, trong nước đã thành lập các nhóm Vật lý thiên văn ở Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Định. Trong đó, nhóm Vật lý thiên văn SAGI ở ICISE được thành lập năm 2022 đã có những triển vọng lớn.
SAGI được thành lập bởi 3 nhà khoa học gốc Việt, gồm: TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA, Mỹ, trưởng nhóm); TS Hoàng Chí Thiêm (Đại học Khoa học và công nghệ Hàn Quốc); TS Nguyễn Lương Quang (American University, Pháp). Mục tiêu của nhóm là nhằm đào tạo, kết nối các nhà nghiên cứu về Vật lý thiên văn trong và ngoài nước. Ngoài ra, GS Pierre Darriulat (nguyên Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu, CERN) là người đã đóng góp rất lớn cho Vật lý thiên văn Việt Nam. Sau nghỉ hưu ở CERN, Pierre cùng người vợ gốc Việt trở về định cư ở Hà Nội. Sau đó, ông thành lập Phòng thí nghiệm tia vũ trụ, đặt ở Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Việt Nam. GS Pierre cũng giúp thành lập nhóm Vật lý thiên văn Việt Nam; và ông đã nhờ các đối tác quốc tế hỗ trợ chuyển giao phương pháp, công nghệ nghiên cứu, đào tạo trong nước.
Đến nay, nhóm đã đào tạo 12 thạc sĩ, 7 tiến sĩ và đang có 17 nhà nghiên cứu trẻ cùng lĩnh vực... Tại sự kiện, TS Cao Văn Sơn, Nhóm Vật lý Neutrino, Viện Vật lý IFIRSE, đã có bài chia sẻ về hiện trạng, tương lai Vật lý năng lượng cao ở Việt Nam, trong đó khẳng định vai trò to lớn của ICTP và chương trình Vật lý tiên tiến do GS Phạm Quang Hưng (Đại học Virginia, Mỹ) sáng lập tại Đại học Huế. Đến nay, chương trình của GS Phạm Quang Hưng đã đào tạo 200 học viên, 1/3 trong số này đã lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn ở nhiều nước trên thế giới... TS Cao Văn Sơn cũng chia sẻ về một số công trình nghiên cứu mà nhóm của mình đang thực hiện ở Nhật Bản, trong đó có Thí nghiệm T2K (có 6 tiến sĩ Việt Nam đang tham gia); Thí nghiệm Sper-Kamiokande (SK); Thí nghiệm Hyper-Kamiokande (HK) mà nhóm nghiên cứu trẻ của TS Cao Văn Sơn vừa đề xuất với Bộ KH-CN.
Theo TS Cao Văn Sơn, việc tham gia thí nghiệm T2K, SK, HK sẽ đem đến rất nhiều cơ hội cho các nghiên cứu trẻ ở Việt Nam. Đây là 3 thí nghiệm được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá rất có triển vọng, khả năng rất cao sẽ có phát hiện giành được giải Nobel. Việt Nam tham gia 3 thí nghiệm không chỉ có giá trị về mặt nghiên cứu mà còn có giá trị về mặt quốc gia.