Chuyến quay về bờ, chuyến hối hả vươn khơi, hòa cùng những tiếng cười nói giòn tan trên bờ biển như dự cảm một năm mới thuận buồm xuôi gió mà bà con ngư dân nơi đây đang kỳ vọng.
Trúng đậm các loài thủy sản
Nhiều vùng biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tép moi bỗng xôn xao kéo về khiến ngư dân vui quên cả tết. Đã lâu lắm rồi, họ lại mới được nhận lộc xuân từ biển cả. “Thuyền về... nhiều tép lắm...!”, tiếng của bà con ngư dân gọi nhau râm ran cả một bến cá.
Không khí rộn ràng, nhộn nhịp chẳng khác nào ngày hội. Giao lại khoang thuyền đầy ắp tép moi và các loại hải sản tươi rói để vợ cân bán cho tư thương, ngư dân Nguyễn Văn Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh nhảy lên bờ, nói oang oang: “Chưa bao giờ thấy tép moi ập về nhiều như thế này.
Từ mùng 2 tết đến nay, thuyền nhiều ra khơi được 6 chuyến, thuyền ít 3 hoặc 4 chuyến và chuyến nào cũng đậm. Niềm vui được nhân đôi khi thuyền chưa kịp cập bến, thương lái khắp nơi đã đổ về tranh mua với giá cao.
Trong năm, tép moi giá 10.000 đồng/kg thì từ ngày mùng 2 đến mùng 5 tết, giá tép moi tăng lên 20.000 đồng/kg”, ông Hà cho biết thêm: “Tép moi ăn cách bờ khoảng chừng 2-3 hải lý, nhưng các tàu đánh bắt phải đi từ sáng sớm để tìm luồng tép. Phần lớn dựa vào kinh nghiệm mà xác định vùng biển nào có tép nhiều và hướng đi để đón đầu đánh bắt. Mỗi chuyến ra khơi, các tàu có thể đánh bắt nhiều mẻ tép. Tép đầy khoang, các tàu tranh thủ chạy nhanh vào bờ để cân rồi tiếp tục ra khơi cho chuyến đánh bắt mới. Hiện trung bình mỗi chuyến biển đánh bắt được 3-5 tạ tép/thuyền, nhiều tàu trúng đến cả tấn tép”, ông Hà phấn khởi.
Các cảng cá ở miền Trung trở lên sôi động khi những khoang thuyền đầy ắp cá tôm cập bờ sau Tết Mậu Tuất
Ngược về Quảng Bình, mới tinh mơ sáng mùng 6 tết, nhưng không khí lao động, sản xuất đầu năm trên các vùng biển bãi ngang tỉnh này đã tấp nập, sôi động với những chuyến tàu nặng cá, mực… cập bến.
Gặp chúng tôi sau một đêm vươn khơi đánh bắt được hơn 40kg tôm sắt (vỏ cứng, thịt dai và ngọt - phóng viên) ngư dân Mai Văn Tuân, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, mừng rỡ nói ngay: Bà con ngư dân vùng biển bãi ngang chúng tôi chỉ nghỉ tết có đêm giao thừa, những đêm tiếp theo hầu hết đều ra biển đánh bắt cá lấy lộc đầu năm.
Sau đợt rét đậm kéo dài, những ngày đầu xuân 2018 biển trở nên ấm áp nên ngư dân có nguồn thu khá. Đặc biệt, mùa tết năm nay, vùng biển ven bờ Hải Ninh xuất hiện nhiều tôm biển nên thuyền nào cũng trúng đậm.
“Từ đêm mùng 1 tết đến nay, mỗi đêm thuyền của tui thu từ 30-50kg tôm, bán tại bến 100.000 đồng/kg nên trừ hết chi phí, trung bình mỗi đêm chúng tôi thu được 3-5 triệu đồng/2 lao động”, anh Tuân nói.
Tương tự, tại các vùng biển bãi ngang Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, thương lái đã chờ sẵn, chuẩn bị xe máy thồ hàng, khay nhựa, xô chậu lớn… thu mua hải sản ngay khi thuyền bè của ngư dân cập bến, sau đó vận chuyển về các chợ đầu mối trên địa bàn bán.
Càng đông vui hơn khi bà con ngư dân đánh bắt gần bờ tại đây từ sau Tết Mậu Tuất trúng đậm cá khoai - loại cá đặc sản được người tiêu dùng ưu chuộng để làm lẩu, kho mặn nên tiểu thương thu mua tại bến giá 100.000 - 130.000 đồng/kg (cao hơn trước tết từ 30.000 - 40.000 đồng/kg) trừ hết chi phí mỗi ngư dân kiếm được 1 - 1,5 triệu đồng/chuyến.
Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế cho biết: “Gần đây, nhiều ngư dân liên tục trúng đậm cá khoai. Thậm chí, thu nhập từ mùa cá khoai năm nay còn hơn đánh bắt cả năm 2017. Hy vọng năm 2018, bà con ngư dân sẽ có nhiều chuyến biển thuận lợi như những ngày đầu xuân”.
Kỳ vọng năm mới bội thu
Gần đây, ngư dân miền Trung liên tiếp đóng mới những con tàu công suất lớn cũng như đầu tư thêm các ngư lưới cụ, trang thiết bị hỗ trợ để vững vàng đánh bắt cá tôm trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Và biển chẳng phụ lòng người, đã ban tặng cho bà con những khoang thuyền đầy ắp cá tôm.
Nhiều ngư dân Bình Định háo hức dong cờ đưa tàu thuyền vươn khơi thu “lộc biển” đầu xuân Mậu Tuất với những mẻ lưới cá ngừ đại dương nặng trĩu.
Ngư dân Võ Thế Dư, chủ tàu vỏ thép BĐ 99252 TS vừa được hạ thủy sau khi đóng mới theo Nghị định 67, cho biết: Tàu cá của tôi vươn khơi ngay sau thời khắc giao thừa, đánh bắt 4 ngày đã được hơn 10 tấn cá ngừ đại dương, bán giá 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Đây được xem như điềm lành, báo hiệu cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió... cho tôi và các bạn thuyền”. Còn ông Đào Nhật Thủy, nhân viên Trạm bờ Quy Nhơn, cho biết liên lạc bằng bộ đàm với trạm bờ, nhiều ngư dân thông báo, họ đang tận hưởng “lộc biển”.
Như tàu cá BĐ 96617-TS hành nghề câu cá ngừ đại dương, do ông Nguyễn Hữu Rạng làm thuyền trưởng, đã câu được 20 con cá ngừ đại dương. Hiện bà con ngư dân vẫn bám biển, khoảng đầu tuần tới, từ 7-10 ngày nữa họ mới vào bờ.
Tương tự, tại bến cá Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên) nhiều tàu đánh bắt xa bờ cũng trúng đậm những mẻ cá bò gù từ 20-40 con nên rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: “Hầu hết các ngư dân tại địa phương đều chọn ăn tết ngoài biển, để tận hưởng “lộc” biển đầu năm với những mẻ lưới cá bò gù nặng trĩu. Hiện giá cá bò gù tại Phú Yên tăng cao ở mức đỉnh điểm từ 115.000 - 120.000 đồng/kg nên bình quân mỗi tàu thu về sau chuyến vươn khơi đầu năm Mậu Tuất từ 1 - 1,5 tỷ đồng”.
Theo ghi nhận, do tập tục nên từ nay đến mùng 10 tết Mậu Tuất, hàng ngàn tàu đánh bắt xa bờ còn lại của ngư dân miền Trung từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục vươn khơi, mang theo nhiều niềm hy vọng ngày đầu xuân.
Hiện các tàu đều đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và nhiên liệu cho một chuyến biển với thời gian gần 1 tháng. Chỉ riêng tiền nhiên liệu, trung bình mỗi tàu sử dụng 4.500 lít dầu diesel và 600 cây đá, chi phí gần trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên nhìn nhận, sau nhiều khó khăn đối với bà con ngư dân trong mùa mưa bão năm 2017, những chuyến vươn khơi đầu xuân Mậu Tuất thắng lợi đã tạo được khí thế khá sôi động trong hoạt động nghề cá”.
Tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi
Ông Trần Châu Giang, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Duy Xuyên, Quảng Nam cho biết, toàn huyện có gần 300 chiếc tàu thuyền đánh cá với tổng công suất 23.000CV, tăng 9.000CV so với đầu năm 2017.
“Thời gian qua chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước thông qua việc công khai trình tự thủ tục thẩm định, phương án vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, kiến nghị với ngành cấp trên quan tâm hoàn thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, khuyến khích ngư dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kiêm ngành, kiêm nghề nhằm phát huy hiệu quả hoạt động đánh bắt trên biển”, ông Giang nói.