Sau hơn nửa năm kể từ ngày phát động, đêm chung kết cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu Thử thách Việt (VietChallenge) đã diễn ra tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), thành phố Cambridge, Mỹ. Đội quán quân là ScholarJet với ý tưởng xây dựng mạng lưới học bổng dưới dạng các thử thách dành cho học sinh, sinh viên. Thay vì viết bài luận để nộp hồ sơ xin học bổng, với ScholarJet, học sinh và sinh viên có thể giành được học bổng bằng cách chinh phục các thử thách đến từ các nhà hảo tâm.
Đội ScholarJet (bên phải) nhận giải thưởng quán quân tại VietChallenge
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện dự án, Tuấn Hồ, Giám đốc điều hành của ScholarJet cho biết, ý tưởng đã bắt đầu từ lúc bạn biết rằng gia đình sẽ không có khả năng chi trả tiền học phí khi được nhận vào Trường Đại học Northeastern. Để có tiền trang trải cho 4 năm đại học, Tuấn đã phải viết hơn 100 bài luận cho 40 bộ hồ sơ xin học bổng. Vì thế, Tuấn và các bạn học đã sáng lập ScholarJet với hy vọng giúp đỡ được nhiều sinh viên tiếp cận với nền giáo dục hiện đại hơn. Cùng lọt vào vòng chung kết còn có 5 dự án khác trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự (AMI, Rakuna), y tế (Cassan), kiến trúc (AloBase) và kinh doanh (SumoPromo). Các dự án lọt vào vòng chung kết đều nhận được giải thưởng là 2.000USD. Đội quán quân ScholarJet nhận giải thưởng 20.000USD.
Trong cuộc thi năm nay, Hội Thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ - đơn vị khởi động VietChallenge đã nhận được hồ sơ tham gia của 176 đội thi đến từ 23 quốc gia, cao gấp đôi so với con số ở năm 2016 là 82 đội thi đến từ 13 quốc gia. Trao đổi về cuộc thi, Mai Phan Zymaris, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, VietChallenge được thành lập dựa trên nhận thức cần phải có một sân chơi để giúp các bạn trẻ người Việt khởi nghiệp trên khắp thế giới kết nối với những người có khả năng hỗ trợ ý tưởng của họ thành hiện thực. Mặc dù phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các chuyên gia cố vấn nhiều kinh nghiệm về đầu tư khởi nghiệp vẫn là khó khăn chung của người Việt trên khắp thế giới. Đó là lý do VietChallenge ra đời. Ngoài giải thưởng tiền mặt (không bao gồm việc lấy vốn của các công ty tham gia thi), VietChallenge còn kết nối các chuyên gia cố vấn với các đội tham dự để tạo điều kiện cho các đội thi rèn luyện kỹ năng trình bày ý tưởng và hoàn thiện đề án kinh doanh. Không chỉ giúp đỡ các đội thi, VietChallenge còn là nền tảng để các chuyên gia, nhà đầu tư và kinh doanh thành công hỗ trợ các bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp người Việt nhưng chưa có một sân chơi chất lượng. Mai Phan Zymaris chia sẻ thêm, ban tổ chức VietChallenge luôn cố gắng nỗ lực để xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp vững mạnh, tiếp sức cho những dự án tiềm năng của người Việt trẻ trên khắp thế giới.
Được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2015, trải qua hơn 2 năm thực hiện, VietChallenge đã thật sự mang đến một sân chơi và cầu nối cho các dự án khởi nghiệp của người Việt trẻ trên khắp thế giới, tập trung vào bốn lĩnh vực: công nghệ, nông nghiệp, năng lượng sạch và chăm sóc sức khỏe. Thành công của cuộc thi đã tạo tiền đề cho nhiều dự án trong quá trình kêu gọi vốn và tìm nhà đầu tư. Tiêu biểu như Bifrost BioTech, sau khi chiến thắng VietChallenge 2016, với sản phẩm thiết bị thông minh giúp giảm thiểu các vấn đề sức khỏe liên quan đến lưng mang tên BackBone, đội này đã huy động thành công 467.833USD từ hơn 6.000 người ủng hộ trên trang gọi vốn cộng đồng Kickstarter.
DƯƠNG NGUYỄN