Sau thời gian tạm ngừng một số tuyến, sân bay quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc đang nhộn nhịp trở lại với các hãng bay nước ngoài và các hãng bay trong nước như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air được mở mới, mở lại các chuyến bay quốc tế và nội địa đi đến trong ngày, mở ra kỳ vọng cho giai đoạn của các “cổng trời miền Tây”.
2 đường bay quốc tế mới của sân bay Cần Thơ là Cần Thơ - Đài Loan (Trung Quốc) với 3 ngày/tuần và Cần Thơ - Incheon (Hàn Quốc) 4 ngày/tuần. Cùng với đó là duy trì và nối lại các đường bay nội địa đi về Cần Thơ với Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phú Quốc và Côn Đảo.
Sân bay quốc tế Phú Quốc từng rất sôi động với khoảng 70 chuyến bay trong ngày, sau thời gian bị cắt giảm các đường bay, nay cũng nhộn nhịp trở lại. Liên tục các đường bay quốc tế mới được mở cùng với sự bứt tốc mạnh mẽ của du lịch đảo ngọc. Hãng hàng không Jin Air (Hàn Quốc) mở chuyến bay thẳng Seoul - Phú Quốc, đánh dấu đường bay thẳng thứ 6 từ quốc gia này, trong đó có sự tham gia của nhiều hãng bay lớn của Hàn Quốc như Korean Air, Jeju Air và Jin Air.
Phú Quốc đang nổi lên, vượt qua Đà Nẵng, Nha Trang trở thành điểm đến được du khách xứ sở kim chi yêu thích. Phú Quốc đang đón khoảng 2.000-2.500 khách quốc tế/ngày, trong đó khách Hàn chiếm hơn 50%. Sân bay đảo ngọc còn đón hơn 30 chuyến bay nội địa/ngày. Ngoài ra, 2 sân bay Rạch Giá với các tuyến bay Rạch Giá - TPHCM, sân bay Cà Mau với 2 tuyến Cà Mau - Hà Nội, Cà Mau - TPHCM đang hoạt động.
Cho đến nay, hàng không vẫn là phương thức di chuyển với nhiều ưu thế nhanh chóng, an toàn, sang trọng nhất trong các phương thức giao thông. Ngày càng có nhiều người chọn lựa hàng không. Theo thống kê, năm 2023 có hơn 10,9 triệu/12,6 triệu du khách sử dụng phương tiện hàng không, chiếm 86,5%.
Những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thương mại và du lịch của vùng ĐBSCL trong năm qua đang mở ra nhu cầu đi lại ngày càng tăng qua các cảng hàng không miền Tây. Hàng loạt sự kiện, lễ hội... diễn ra trong vùng góp phần tích cực như festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam, lễ hội áo bà ba Hậu Giang, các festival tôm Cà Mau, hoa kiểng Sa Đéc, các lễ hội dừa Bến tre, xoài Đồng Tháp, đua ghe ngo Sóc Trăng, ngày hội trái cây Tiền Giang… Đặc biệt, hàng loạt sự kiện tổ chức chuyên nghiệp, ấn tượng của các tập đoàn diễn ra trên đảo ngọc Phú Quốc đã kích cầu du lịch, tăng lượng du khách sử dụng hàng không.
Việc mở thêm đường bay mới, tăng tần suất bay trên các đường bay hiện có, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, thực hiện các chính sách ưu đãi về giá khi các hãng bay sử dụng dịch vụ hỗ trợ tại các cảng hàng không đang chắp thêm các đôi cánh cho các sân bay ở miền Tây. Tuy nhiên, kỳ vọng đan xen thách thức. Cần xác định các phân khúc khách hàng để cung ứng dịch vụ phù hợp là việc của các hãng hàng không.
Sân bay góp phần tăng lượng hành khách bằng chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ mặt đất, nhưng tạo ra nhu cầu hàng không có trách nhiệm của chính quyền. Dịch vụ hàng không ngày càng phải nâng chất, đảm bảo tiện nghi, an toàn, chất lượng tốt, giá cả hợp lý; hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối các phương thức giao thông của bộ, ngành Trung ương và địa phương là rất quan trọng để thu hút các hãng bay và hành khách đi máy bay.
Động lực lâu dài cho những đường bay phải là nhu cầu hàng không từ sức hút của phát triển kinh tế vùng, hoạt động đầu tư, thương mại sôi động, sức hấp dẫn của ngành du lịch. Sự cất cánh của “cổng trời miền Tây” không chỉ là lực của ngành hàng không mà là sự phát triển của kinh tế, xã hội, thương mại, du lịch vùng ĐBSCL, tạo ra sức “cầu”, làm tăng tốc lực “cung”.
Vì vậy, rất cần động lực phát triển không chỉ từ sân bay, hãng bay mà đang rất cần sự phối hợp, nỗ lực của cơ quan quản lý từ Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp phục vụ mặt đất, quản lý bay và của cả hành khách, của các cơ quan truyền thông và cộng đồng.
Phía trước đường băng sân bay Cần Thơ, những đường bay dài hay ngắn, nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào không gian vật lý và vận tốc bay, mà còn là năng lực cạnh tranh vùng, khoảng cách trách nhiệm, ý thức và những nỗ lực mang tính chuyên nghiệp hơn của các bên liên quan.