Hướng về cơ sở
Trong nhiệm kỳ qua, dấu ấn rõ nét nhất của tổ chức Công đoàn TPHCM là hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động đã được các cấp công đoàn thành phố tiếp tục duy trì, nhất là trong các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng công nhân.
Có thể kể đến các chương trình đã trở thành thương hiệu của Công đoàn thành phố như “Tết sum vầy - Xuân yêu thương”, “Gia đình công nhân vui tết cùng thành phố”, “Tấm vé nghĩa tình”, “Mái ấm công đoàn”, “Trái tim nghĩa tình”… Nhiều chương trình đã lan tỏa và có bước chuyển mạnh về cơ sở, phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ trên tinh thần đúng người, đúng hoàn cảnh. Song song đó, hoạt động thương lượng tập thể, đối thoại tại nơi làm việc là nhiệm vụ trọng tâm được Công đoàn thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát hàng năm.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm tặng thẻ BHYT đến đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm |
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Công đoàn thành phố chính là chương trình “Phúc lợi đoàn viên”. Đây là chương trình hỗ trợ ý nghĩa, chăm lo kịp thời đời sống đoàn viên, người lao động, tạo sức hấp dẫn, gắn kết của tổ chức công đoàn. Đặc biệt chương trình “Cảm ơn người lao động” được các cấp Công đoàn thành phố đã thực hiện trong Tháng công nhân vừa qua đã giúp gắn kết người lao động với doanh nghiệp để cùng đồng hành, phát triển, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn TPHCM rất chú trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động để mỗi công nhân lao động ý thức tự nâng cao tay nghề, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu mới. Thông qua các hội thi tay nghề, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhất là giải thưởng Tôn Đức Thắng đã vinh danh những công nhân, kỹ sư và tạo bệ phóng thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong lao động sản xuất. 5 năm qua, đã có hơn 20.640 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được thực hiện; tổ chức Công đoàn TPHCM đã tuyên dương hơn 6.480 lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Uyển chuyển, thích ứng với tình hình mới
Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu rất cao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cùng cả nước, vì cả nước trong chặng đường phát triển mới. Trong tiến trình đó, việc làm và quan hệ lao động cũng có những thay đổi lớn với sự tham gia mạnh mẽ, trực tiếp của công nghệ, sự xuất hiện của những ngành nghề mới, những kiểu hình quan hệ lao động mới.
Nhu cầu đời sống, việc làm, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động của đoàn viên, người lao động tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho tổ chức công đoàn. Do đó, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở cũng như có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở cả khu vực chính thức và phi chính thức. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/ TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, TPHCM đã có những bước tiến rất quan trọng. Trong đó, đáng chú ý nhất là mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động, tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở.
Chìa khóa để tổ chức Công đoàn TPHCM làm được điều này trong nhiệm kỳ qua chính là đội ngũ cán bộ công đoàn được nâng tầm chuyên nghiệp, có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết và trách nhiệm. Đại hội XII Công đoàn TPHCM cũng đặt ra các chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó tập trung 3 khâu đột phá theo định hướng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2023-2028, gồm: tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính.
Sự hội nhập quốc tế sâu rộng và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có những cam kết về lao động, tổ chức đại diện người lao động, thử thách truyền thống và năng lực tập hợp, thích ứng của tổ chức công đoàn. Cùng với những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra cho Công đoàn Việt Nam, Công đoàn TPHCM sẽ phải tiếp tục nỗ lực đổi mới thực chất tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn cơ sở, xây dựng phương hướng sát hợp với tình hình, giải quyết các vấn đề thực tiễn đòi hỏi.
Những năm tới, lực lượng lao động thành phố dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, nhiều tác động ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập người lao động. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ công đoàn phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với tổ chức, đoàn viên, người lao động, để từ đó chăm lo vật chất, tinh thần, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động một cách tốt nhất. Song song đó, việc giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường, bản lĩnh chính trị, tự rèn luyện, học tập để nâng cao chất lượng, trình độ, năng suất lao động đến đoàn viên, người lao động cũng là một trong những mục tiêu Công đoàn TPHCM hướng đến.