Chiều 30-11, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức 10 diễn đàn để thảo luận những vấn đề quan trọng mà Đại hội Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 đã đặt ra. Trong đó, vấn đề đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở là cấp bách; quản lý tài chính công đoàn là một nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh.
Thu chưa đủ, có nhiều đơn vị nợ phí công đoàn
Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã nêu rõ: “Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả”.
Theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, nơi đang quản lý 9.360 công đoàn cơ sở với trên 700.000 đoàn viên, 45 công đoàn cấp trên cơ sở, 9 đơn vị sự nghiệp và 3 doanh nghiệp công đoàn trực thuộc, nguồn thu tài chính công đoàn mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian qua, LĐLĐ TP Hà Nội đã nỗ lực trong công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn, hướng dẫn các cấp công đoàn tích cực đôn đốc thu kinh phí, đoàn phí. Nhờ vậy, mức thu luôn vượt chỉ tiêu được giao, có năm đạt tới 131%. Tuy nhiên, ở Hà Nội vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, cố tình trốn tránh, không đóng kinh phí công đoàn. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trích đóng kinh phí công đoàn chưa đúng tỷ lệ hoặc mức lương quy định, nên thu kinh phí chưa đảm bảo đúng, đủ theo quỹ lương đóng BHXH.
Diễn đàn chuyên đề về quản lý tài chính và tài sản của tổ chức công đoàn tại Hà Nội, chiều 30-11 |
Đại diện LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, tổ chức công đoàn đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2018-2023 với cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội… để nắm thông tin về thực hiện nghĩa vụ thuế, chính sách bảo hiểm xã hội của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn viên lao động. Nhờ vậy, tổng số thu trong 5 năm được 582 tỷ đồng, đạt 108,27%. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh này còn có Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức lao động nghèo với tổng số tiền là 11,4 tỷ đồng và Quỹ hỗ trợ công nhân, viên chức lao động với tổng số tiền huy động trên 5,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ thất thu kinh phí và đoàn phí công đoàn rất cao, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Số thu kinh phí công đoàn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, có trụ sở và nơi sản xuất rõ ràng; còn lại các doanh nghiệp quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh theo đơn đặt hàng, mùa vụ hoặc thuê địa điểm không cố định… thì công đoàn cấp trên khó kiểm soát, không thu được kinh phí công đoàn.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều đại biểu đề nghị, tổ chức công đoàn cần phải tiếp tục chủ động cùng cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội… quyết liệt thu đúng, thu đủ. Thậm chí, có thể tạo áp lực mạnh như lập danh sách đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định trích nộp kinh phí công đoàn để kiến nghị cơ quan chức năng xử lý; hoàn tất hồ sơ khởi kiện ra tòa án để đòi nợ theo quy định đối với đơn vị nợ số tiền lớn và kéo dài.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 1 đến 3-12
Thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII đã tiến hành hội nghị lần thứ 17. Đây là hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ khóa XII trước khi diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Báo cáo kết quả công tác chuẩn bị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, các công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã hoàn tất, đủ điều kiện tổ chức đại hội. Đến nay, báo cáo chính trị trình đại hội đã được hoàn thiện và lấy ý kiến tại đại hội công đoàn cấp tỉnh, lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đoàn viên, người lao động và các chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước. Báo cáo đã được tiếp thu ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam với hơn 1.100 đại biểu tham dự, diễn ra từ ngày 1 đến 3-12 tại Hà Nội. Phiên trọng thể sẽ diễn ra sáng 2-12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, có lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia Đoàn Chủ tịch điều hành đại hội.
Thu - chi cần công khai, minh bạch
Đề cập tới việc cần công khai, minh bạch các khoản thu - chi tài chính công đoàn như quy định, ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính - Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn phải theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam; đồng thời phải được kiểm tra, giám sát và kiểm toán.
Ông Nguyễn Minh Dũng cũng thừa nhận, công tác kiểm tra, giám sát ở một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vẫn có nơi buông lỏng. Việc quản lý chi tiêu ở một số nơi không đúng tiêu chuẩn, định mức, không đúng quy chế, chứng từ chi không đảm bảo quy trình, thủ tục. Đại diện LĐLĐ tỉnh Hải Dương thông tin, do công tác quản lý, sử dụng tài sản ở một số công đoàn cơ sở còn lỏng lẻo đã dẫn tới các sai phạm ở một số công đoàn cơ sở trong nhiệm kỳ 2017-2022.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, tổ chức công đoàn tại TPHCM hiện nay đang sử dụng và vận hành khá hiệu quả các khoản thu - chi tài chính công đoàn. Việc cho phép công đoàn cơ sở được phép giữ lại 75% nguồn thu đã đáp ứng được nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động.
Về việc làm sao đảm bảo quản lý công khai, minh bạch các khoản tài chính công đoàn, ông Trần Đoàn Trung khẳng định, nguyên tắc của việc chi ngân sách công đoàn, trước hết phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật và của tổ chức công đoàn; đảm bảo nguyên tắc tự quản và tập trung dân chủ. “Các khoản chi của công đoàn cơ sở phải thông qua bàn bạc cụ thể, có sự thống nhất để thực hiện các mục chi được quy định. Chúng tôi cũng nỗ lực triển khai giám sát để công đoàn cơ sở thực hiện đúng quy định”, ông Trung chia sẻ. Theo đề xuất của đại diện Ban Tài chính - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cần xây dựng đề án thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán tại những công đoàn cơ sở có nguồn thu tài chính công đoàn lớn.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng, việc chi tài chính của tổ chức công đoàn phải đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, xây dựng tỷ lệ chi hợp lý. Cùng với tăng cường nguồn thu, hạn chế tình trạng thất thu, cần tăng cường tỷ lệ phân phối kinh phí, đoàn phí công đoàn về cho công đoàn cơ sở để thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, lao động. Việc phân phối phải đảm bảo công khai, minh bạch. Đồng thời, cần điều tiết tài chính công đoàn tích lũy về công đoàn cấp trên để tập trung nguồn lực, thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất toàn hệ thống công đoàn, chẳng hạn như xây nhà ở cho công nhân thuê.
“Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở, cho phép tổ chức công đoàn làm chủ đầu tư nhà ở cho công nhân thuê. Đưa vào luật rồi mà công đoàn không có nguồn tài chính và giải pháp triển khai thì rất khó”, ông Phan Văn Anh nói.
Thu hút 15 triệu người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam
Tại diễn đàn về chủ đề: “Đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn; nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở”, do ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì, vấn đề quan trọng được nêu ra thảo luận là, tới đây công đoàn cơ sở không còn là sự lựa chọn duy nhất của người lao động, khi Chính phủ ban hành hướng dẫn thành lập các tổ chức đại diện của người lao động (ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam), sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam, cần thiết phải có giải pháp đột phá để vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở. Các đề xuất và giải pháp mà diễn đàn đưa ra là, cần đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức công đoàn; đồng thời tăng cường tuyên truyền để đoàn viên lao động yên tâm với tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Một trong yếu tố quan trọng chính là chất lượng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở phải giỏi về kinh tế, thạo về quản lý (nhất là về tiền lương) để có thể thương lượng, thỏa thuận, ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ sử dụng lao động. Những kinh nghiệm, giải pháp được trao đổi tại diễn đàn là cơ sở để thực hiện được mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ 2023-2028, cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn.