Ứng dụng công nghệ
Gặp nữ nông dân Liêu Thị Kim Phượng (nhà số 63, đường 18, phường Phước Bình, TP Thủ Đức), chủ cơ sở sản xuất, lai tạo cây hoa lan, chị hào hứng giới thiệu về mô hình lai tạo lan giống. Cơ sở của chị có diện tích 1.500m2, sản xuất theo hình thức liên kết vùng, mỗi tháng sản xuất 1.000 chai mô và hơn 25.000 cây giống. Mỗi năm, việc sản xuất lan giống mang về thu nhập cho gia đình trên 200 triệu đồng; hoạt động kinh doanh, dịch vụ hoa lan thu về khoảng 400 triệu đồng. Điều vui mừng nữa là cơ sở tạo việc làm ổn định cho 24 lao động, với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng.
“Công nghệ là yếu tố quyết định”, chị Kim Phượng chia sẻ. Chị cho biết, cơ sở hoa lan của chị “lột xác” từ khi áp dụng công nghệ sinh học để lai tạo, sản xuất các giống hoa lan Dendro bằng phương pháp thụ phấn, gieo hạt. Tài sản lớn nhất của chị là bộ sưu tập vườn cây giống, với hơn 200 loại.
Nông dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM) trao tôm giống hỗ trợ hội viên làm ăn, cùng vươn lên làm giàu |
Trong khi đó, tỷ phú nông dân Bùi Văn Mười (ở số 27/3 đường Đỗ Thị Phố, ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) nổi danh với thương hiệu nấm bào ngư “Mười Sài Gòn”. Bén duyên với nghề trồng nấm từ những năm 1990, đến nay ông theo nghề hơn 30 năm. Cơ sở ban đầu có diện tích 500m2, nay đã tăng lên 3.000m2, với nhiều chủng loại nấm, mang lại nguồn thu nhập ổn định trên 1 tỷ đồng/năm.
Tỷ phú “Nấm Mười Sài Gòn” tiết lộ, trồng nấm theo cách truyền thống chỉ đủ ăn, để làm giàu thì phải đầu tư công nghệ. Thế nên, ông đã chủ động đầu tư sản xuất phôi nấm, cấy meo và hệ thống phun sương tự động thông minh. Thương hiệu nấm “Mười Sài Gòn” không chỉ được người tiêu dùng ở TPHCM lựa chọn mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Còn anh Lê Minh Hải (B6/147/3 ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) nổi tiếng với sản phẩm sữa dê tươi thanh trùng, yaour sữa dê. Anh Hải chia sẻ, nhờ đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất chế biến, bảo quản, đóng gói, sản phẩm sữa dê thanh trùng, yaour sữa dê Đa Phước được công nhận sản phẩm ISO, đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Giá trị sản phẩm lên thêm 50%-60% so với bán sữa thô nguyên liệu cho nhà máy.
Những nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất được tiếp thêm sức mạnh khi nhận sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân TPHCM. Hội đã phối hợp tổ chức 1.046 buổi tập huấn và giới thiệu, chuyển giao 508 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho 5.026 lượt cán bộ, hội viên. 7.132 hội viên nông dân đã tham quan, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp, mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả…
Cùng nhau làm giàu
Nông dân TPHCM ngày nay vừa mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, vừa xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm tốt để cùng nhau làm giàu. Nhiều nông dân ở huyện Củ Chi cho biết, tỷ phú Bùi Văn Mười không chỉ nổi tiếng với các giống nấm bào ngư xám, nấm Hoàng Kim, sò hồng, bào ngư trắng…, mà còn vận động các thành viên Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và nhân rộng mô hình cho nhiều nông dân cùng làm giàu. Hình mẫu “Nấm Mười Sài Gòn” phát triển ở xã Hòa Phú và được nhân rộng ở nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp Khu nông nghiệp công nghệ cao.
“Chia sẻ bí quyết, cùng nhau làm giàu từ hoa mai” là tâm niệm của Tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp trồng hoa mai vàng Bình Lợi - nông dân Nguyễn Văn Kiêm (ngụ C7/229/1 ấp 3, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM). Ông thường xuyên sử dụng Facebook, Zalo, kênh YouTube “Làng mai Bình Lợi” để tư vấn, quảng bá, giới thiệu các loại sản phẩm mới, có hiệu quả đến hội viên. Đối với những hội viên nông dân nghèo, ông hỗ trợ vay vốn không lãi suất, trao tặng công cụ sản xuất, chậu, phân bón, cây mai giống, với tổng trị giá 60 triệu đồng.
Đến nay, nông dân Lê Minh Hải đã vận động 5 nhà vườn, trang trại chăn nuôi dê trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi dê Đa Phước. Ngoài việc điều hành hợp tác xã, giải quyết việc làm cho 5 xã viên, anh Lê Minh Hải còn mua 2 máy xới mini tặng cho 2 hộ nghèo của xã (tổng trị giá 30 triệu đồng), tặng 1 con bò giống cho 1 hộ hội viên nghèo (trị giá 25 triệu đồng), hỗ trợ 25 m3 đất sạch cho 4 hộ trồng rau trên địa bàn xã…
Theo Hội Nông dân TPHCM, những mô hình hay, cách làm tốt của nông dân nêu trên đã nhân rộng, trở thành phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu. Cụ thể, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được phát triển sâu rộng, mô hình “nông dân khá giúp nông dân khó” ngày càng phát triển theo phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân”.
Phong trào cũng đã phát huy nội lực của 90 Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện 452 công trình an sinh xã hội, giúp đỡ gần 12.240 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, cùng với các cấp hội hỗ trợ gần 3.190 hộ vượt nghèo và đang vươn lên làm giàu.
Dự kiến hôm nay (ngày 26-9), tại Hội trường TPHCM, Đại hội đại biểu Hội Nông dân TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra, với sự tham dự của 300 đại biểu và 20 khách mời, đại diện cho hơn 57.000 hội viên nông dân của thành phố. Đại hội có chủ đề: “Đoàn kết - Đổi mới - Văn minh - Phát triển”, dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27-9.
Nhiệm kỳ qua, nông nghiệp TPHCM tiếp tục chuyển dịch theo định hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Trọng tâm là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Những người nông dân là lực lượng chủ lực thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều cách làm hay, mô hình tốt và mang lại hiệu quả tích cực.
“Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân TPHCM phối hợp đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tập huấn, trang bị kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường và hội nhập quốc tế cho hội viên nông dân.
Hội cũng hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hướng dẫn hội viên nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường.
Nông dân thành phố đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng và thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tiêu chí “Người nông dân mới thành phố Hồ Chí Minh”.
Qua đó, ngày càng nhiều nông dân đã khởi nghiệp và tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân tại địa phương”.
Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM NGUYỄN THANH XUÂN