Chánh Thanh tra TPHCM đề xuất "hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp" để tăng hiệu quả xử lý tham nhũng

Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy phân tích các bất cập trong quy định hiện nay tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của người có hành vi sai phạm và người thân của họ. Ông đề xuất cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật, trong đó  pháp luật phải đồng bộ, thống nhất và khả thi, nhằm hạn chế người vi phạm tẩu tán tài sản; bổ sung cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản bằng hình thức hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng.

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 11-10, tại Hội trường Báo Sài Gòn Giải Phóng, Ban Nội chính Thành ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”.

Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM; Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng.

a.jpg
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại tọa đàm "Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tọa đàm có sự tham dự và thảo luận, trao đổi về công tác nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM của các khách mời. Đó là các đồng chí: Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TPHCM, Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM; Nguyễn Thanh Sang, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TPHCM; Ngô Phạm Việt, Phó Viện Trưởng VKSND TPHCM; Nguyễn Văn Hòa, Cục Trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM; Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự cấp TPHCM; Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó Trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an TPHCM; Thượng tá Lê Văn Bách, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM.

Cùng dự và phát biểu ý kiến còn có: Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Hà Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM; Thạc sĩ Hồ Quân Chính, Giảng viên chính, Trưởng Bộ môn đào tạo các chức danh thi hành án dân sự, Học viện Tư pháp Chi nhánh TPHCM; Thạc sĩ Lê Thị Mơ, Khoa Luật Hành chính Nhà nước, Đại học Luật TPHCM.

Đồng chí Ngô Minh Châu phát biểu đề dẫn tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM”. Thực hiện: THỤY QUYÊN - TAM NGUYÊN

Phát hiện sớm nhưng không thể kê biên

Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy thông tin, việc thu hồi tài sản qua công tác thanh tra gặp phải khó khăn chủ yếu do các quy định về thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm.

2.jpg
Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy trao đổi tại toạ đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra.

Trong khi đó, hành vi tội phạm và tham nhũng kinh tế có thể đã được phát hiện từ hoạt động thanh, kiểm tra và từ đơn thư phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức hoặc qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thế nhưng thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo.

Ông phân tích, quá trình thanh tra phát hiện sai phạm thì việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật được xử lý như sau: chỉ có tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra, còn lại các tài sản khác thì cơ quan thanh tra không có quyền trực tiếp mà chỉ có thể yêu cầu, kiến nghị xử lý.

Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy phát biểu tại tọa đàm. Thực hiện: TAM NGUYÊN - THỤY QUYÊN

Cơ quan thanh tra cũng không có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao việc tẩu tán tài sản của bản thân người có hành vi sai phạm và những người thân thích của họ.

Cũng theo Chánh Thanh tra TPHCM, tài sản bị thu hồi khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình thanh tra là tài sản liên quan trực tiếp đến sai phạm. Trong khi trên thực tế, tài sản có được do sai phạm trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng thường được cất giấu, che đậy, chuyển hình thức sở hữu ngay trong quá trình phạm tội, trước khi thanh, kiểm tra và trước khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Mặt khác, hiện nay cũng chưa có cơ chế phối hợp cụ thể giữa cơ quan Thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác minh, truy tìm tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật của người vi phạm. Thực trạng này gây khó khăn cho công tác thu hồi tài sản có liên quan tham nhũng, tiêu cực.

Hơn nữa, việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị cũng chưa thực sự chặt chẽ. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130 của Chính phủ có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức kiểm soát tài sản thu nhập, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

phong.jpg
Đồng chí Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng bộ về pháp luật để hạn chế tẩu tán tài sản

Đúc rút từ thực tiễn, Chánh Thanh tra TPHCM đề xuất tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy đánh giá, bên cạnh việc quán triệt, công tác truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, điểm nhấn là công tác thu hồi tài sản cần phải được tăng cường hơn. Việc tổ chức tọa đàm "Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM" tại Báo SGGP là cách làm mới, thể hiện sự tham gia giám sát của truyền thông liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng để người dân biết và giám sát thông qua báo chí, tạo ra hiệu ứng rất mạnh”, ông Trần Văn Bảy nhận xét và đề xuất thời gian tới, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có những cách làm mới để phát huy vai trò của truyền thông, báo chí và nhân dân.

1.jpg
Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy nhận xét tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng trên địa bàn TPHCM” tại Báo SGGP là cách làm mới, thể hiện sự tham gia giám sát của truyền thông liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng để người dân biết và giám sát thông qua báo chí. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng với đó, có quy định cụ thể các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với trường hợp các đối tượng thanh tra chây ì, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm, kéo dài thời gian, chậm hoặc không nộp tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra.

Cần có quy định pháp luật cụ thể để chỉ rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục thu hồi tài sản ngay từ khi thanh tra, kiểm toán; có quy định cụ thể về thẩm quyền trực tiếp của cơ quan thanh tra đối với tài sản là bất động sản, động sản và giấy tờ có giá trị; có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa, kê biên tài sản ngay trong giai đoạn thanh tra đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật.

“Quy định pháp luật phải đồng bộ, thống nhất và khả thi, nhằm hạn chế việc tẩu tán tài sản của bản thân người phạm tội và những người thân thích của họ. Cần nghiên cứu và hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản bằng hình thức hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng”, Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy đề xuất.

6.jpg
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu và Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Tăng Hữu Phong trao đổi trước khi bắt đầu Tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng thời cần sớm có quy chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với các cơ quan tố tụng ngay từ khi thanh tra, kiểm toán nhằm đảm bảo việc thu hồi tài sản triệt để ngay từ giai đoạn phát hiện vi phạm.

Về lâu dài, cần sớm xây dựng hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần. Quy định về quyền thanh, kiểm tra theo dõi biến động của mọi tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong quá trình thanh tra (kể cả việc tăng, giảm tài sản, thu nhập), nhằm tạo cơ sở quan trọng cho việc minh bạch hóa thu nhập và tài sản, góp phần phòng ngừa và phát hiện tham nhũng cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho nhà nước.

Đồng chí Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TPHCM phát biểu tại tọa đàm sáng 11-10. Thực hiện: TAM NGUYÊN - THỤY QUYÊN

Giai đoạn từ năm 2021 – 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, ngành Thanh tra TPHCM đã thực hiện 828 cuộc thanh tra, thực hiện các kiến nghị xử lý về kinh tế. Cụ thể, năm 2021 đã thu hồi hơn 10,6 tỷ đồng và 104,36m2 đất; năm 2022 đã thu hồi: 37,2 tỷ đồng và 183 m2 đất; năm 2023 thu hồi hơn 20,4 tỷ đồng và 183m2 đất. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi gần 28 tỷ đồng (đạt gần 100%) và 26.684 m2đất.

Theo Chánh Thanh tra TPHCM, để thực hiện tốt công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật hoặc bị thất thoát qua công tác thanh tra, kiểm tra, trong kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra TPHCM tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, qua đó kịp thời phát hiện và thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng tài sản trái pháp luật hoặc bị thất thoát.

TD.jpg
Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG

Việc ra quyết định thu hồi tài sản ngay khi phát hiện đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà không phải đợi kết luận thanh tra, trừ trường hợp luật có quy định khác. “Đây cũng là giai đoạn quyết định tính hiệu quả trong việc thu hồi tài sản sai phạm ngay trong quá trình thanh tra. Việc kịp thời xử lý, thực hiện quyền tạm giữ, thu hồi tài sản sai phạm trong quá trình thanh tra cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản do hành vi trái pháp luật gây ra”, Chánh Thanh tra TPHCM Trần Văn Bảy nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục