Mới đây, theo công bố của Vietnamworks, trang web tuyển dụng trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam, về “Báo cáo phúc lợi và thưởng Tết Nguyên Đán năm 2019”, có hơn 64% đơn vị khối doanh nghiệp thưởng cao hơn một tháng lương cho nhân viên trong dịp tết. Đáng nói, mức thưởng này cao hơn năm 2017 từ 5%-7% và tăng xấp xỉ 10% so với năm 2018. Cũng theo kết quả khảo sát, có đến 82% người lao động cho biết sẽ phản ứng cụ thể nếu không nhận được thưởng tết đúng như mong đợi, trong đó 27% lao động sẽ xin nghỉ việc để tìm đơn vị công tác khác có mức thưởng tết cao hơn. Có thể nói những ngày cuối năm, thưởng tết là một trong những câu chuyện được chờ đợi và quan tâm nhiều nhất trong xã hội.
Nhìn lại thực tế ngành giáo dục, trường học hiện nay không có quy định quỹ chi thưởng tết cho giáo viên. Khoản thưởng hàng năm mà các trường chi cho giáo viên dịp cuối năm là khoản kết dư lấy từ nguồn tiết kiệm văn phòng phẩm, điện, nước, kết hợp thêm một số khoản phúc lợi khác của đơn vị để chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên. Trường nào cố gắng chi tiêu hợp lý trong năm, cân đối, dành dụm các khoản mua sắm thì cuối năm kết dư nhiều, tiền chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên dao động từ 7 - 9 triệu đồng/người. Tuy nhiên, với những đơn vị có số lượng học sinh ít (đồng nghĩa với ngân sách phân bổ theo đầu học sinh bị hạn chế), tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trong năm thì cuối năm kết dư không nhiều, giáo viên chỉ được nhận vài trăm ngàn đồng gọi là “thưởng tết”.
Cá biệt có nơi, giáo viên không nhận tiền thưởng một lần mà bị chia nhỏ ra nhiều đợt để “né thuế” và “hợp thức hóa” các nguồn phúc lợi của đơn vị. Thực tế này dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng trong đội ngũ giáo viên như ký nhận thưởng mà không được “danh chính ngôn thuận”, cùng là giáo viên trong một đơn vị nhưng thưởng tết khác nhau do quy định về biên chế, giáo viên hợp đồng lao động theo Nghị định 68, giáo viên khoán...
Năm nay, TP Đà Nẵng thực hiện phân cấp chăm lo tết cho giáo viên về các quận, huyện. Một số quận như Hải Châu, Sơn Trà vừa công bố mức hỗ trợ tết 2,5 triệu đồng/giáo viên. Ngoài khoản hỗ trợ từ địa phương, các trường cân đối thu chi hoạt động trong năm để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giáo viên. Cộng cả hai khoản này, mỗi cán bộ, giáo viên được nhận 7 - 12 triệu đồng/người, tùy theo đơn vị công tác và thành tích cá nhân. Tại tỉnh Quảng Nam, thu nhập tăng thêm cho giáo viên dao động khiêm tốn 200.000 - 300.000 đồng/người. Đây cũng là tình hình chung của nhiều tỉnh miền núi, vùng cao, địa phương có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khi giáo viên gần như không có khái niệm “thưởng tết”. Một số địa phương như Điện Biên, Lai Châu, hàng ngàn giáo viên có mức thưởng tết thấp kỷ lục… 0 đồng. Nhiều thầy, cô xa quê chấp nhận ở lại đón tết ở vùng cao vì không đủ tiền mua vé xe về sum họp với gia đình, quà tết nhận được là cân đường, hộp sữa, ít thịt, trứng có được từ sự san sẻ của phụ huynh.
Riêng ở TPHCM, năm nay giáo viên được thưởng tết cao hơn các tỉnh, thành khác nhờ có thu nhập tăng thêm từ cơ chế đặc thù. Theo đó, căn cứ Nghị quyết 03 về chi thu thập tăng thêm cho cán bộ, viên chức TP do HĐND TP ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2018, giáo viên sẽ được xét thu nhập tăng thêm theo từng quý. Mức chi tăng thêm căn cứ vào hai tiêu chí là xếp loại thi đua và hệ số lương của giáo viên. Trong đó, cán bộ, viên chức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được chi thêm 0,6 tổng số lương nhận được mỗi tháng. Giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được chi thêm 0,48 tổng lương nhận được mỗi tháng. Riêng cán bộ, viên chức xếp loại hoàn thành nhiệm vụ không được chi thêm khoản tiền này. Nguồn chi thu nhập tăng thêm lấy từ ngân sách thành phố, ước tính gần 600 tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Hát (quận 9), nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một giáo viên có thể được nhận thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng. Như vậy, tính cả 3 quý trong năm học (trừ tháng 6, tháng 7 do rơi vào dịp nghỉ hè) nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên có thể được nhận khoản tiền gần 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo tổng hợp tình hình từ các quận, huyện, hiện nay mới có hơn nửa số quận, huyện thực hiện chi thu nhập tăng thêm, những nơi còn lại vẫn đang chờ hướng dẫn từ TP. Trước thực tế này, bà Trần Thị Hải Yến, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP, kiến nghị ngành giáo dục sớm có hướng dẫn để các đơn vị hoàn tất chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên trước dịp Tết Kỷ Hợi, giúp các thầy, cô thôi khắc khoải khi mùa xuân về. Hiện nay, bình quân một giáo viên có thâm niên và có nhiều thành tích đóng góp sẽ được nhận tiền thưởng 8 - 10 triệu đồng/người, cán bộ quản lý dao động 11 - 13 triệu đồng/người. Riêng đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn đang công tác ở 5 huyện ngoại thành, Công đoàn ngành giáo dục TP nhiều năm qua đều thực hiện chương trình thăm hỏi và tặng quà, mức chăm lo thấp nhất 500.000 đồng/người. Số tiền hỗ trợ tuy ít ỏi nhưng qua đó thể hiện được nỗ lực của ngành trong việc tạo thêm điều kiện cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề.
Nói như chia sẻ của một nhà giáo ưu tú đã về hưu, một khi dấn thân vào con đường “gõ đầu trẻ”, các thầy, cô giáo phải xác định rõ đặc thù của nghề. Đây là công việc không có “lương thứ 13”, tiền hỗ trợ tết nếu có chỉ xuất phát từ sự chăm lo của phụ huynh hoặc tấm lòng tương thân tương ái từ chính những đồng nghiệp trong ngành. Dẫu biết tự dặn lòng như thế nhưng nhìn sang các lĩnh vực khác, khi thưởng tết được công bố rộn ràng trên các phương tiện truyền thông bằng những con số chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng, thật khó để không khỏi chạnh lòng…