Gánh nặng cơm áo
Năm nào cũng vậy, ngày Giỗ Tổ nghề sân khấu vào tháng 8 âm lịch, giới nghệ sĩ ở đâu, làm gì, còn ở thời hoàng kim hay ở bên kia sự nghiệp, tất cả đều tề tựu, trước là tri ân, tạ ơn Tổ nghiệp, sau là cái cớ để được ngồi bên nhau chia sẻ về một năm làm nghề. Thời vàng son với những hàng ghế đầy ắp khán giả, với những suất diễn dày đặc đã qua. Có quá nhiều phương tiện giải trí khác nhau, bởi thế để khán giả không lãng quên sân khấu, lãng quên nghệ sĩ là điều khó nhất.
Thanh Ngoan, nghệ sĩ nổi tiếng trong làng chèo và xẩm Việt Nam, hiện đang là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, chia sẻ, điều may mắn đối với nghệ sĩ chèo là vẫn có thể sống bằng nghề đi hát văn, hát chèo, chứ chưa tới mức phải đi làm các nghề bên ngoài. Có không ít diễn viên thực sự sống bằng nghề đi hát văn tại các đền, phủ chứ không thể trông mong vào đồng lương tháng. Với nghệ thuật tuồng, mọi việc khó khăn hơn nhiều. Chỉ một việc tưởng đơn giản như khoác những bộ phục trang cân đai, áo mão nặng hàng chục ký, trên sàn diễn, nghệ sĩ không chỉ hát mà còn nhào lộn, múa võ, đi quyền… là đủ hiểu nỗi vất vả của họ.
“Mệt nhất là đang diễn mà gặp mưa. Bên trong áo giáp mồ hôi nhễ nhại, bên ngoài áo giáp nước mưa ướt hết, dở khóc dở cười…”, nghệ sĩ tuồng Lộc Huyền tâm sự. Cực là thế nhưng cát-xê cho diễn viên chính là 200.000 đồng/buổi, vai phụ là 160.000 đồng/buổi… Không hiểu có đủ tiền son phấn hóa trang?
“Đã từ lâu, chúng tôi không cân nhắc đắn đo như thế. Diễn ở xa quá thì sẽ trích thêm kinh phí sự nghiệp để bù vào chi phí xe cộ và cứ nhận được hợp đồng là đoàn lại lên đường”, lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam nói. Hợp đồng nghe tưởng chừng rất lớn nhưng chỉ là mười mấy, hai mươi triệu đồng một buổi diễn ở tỉnh với đủ thứ chi phí đi lại, ăn uống, thù lao; còn diễn tại trung tâm phố cổ Hà Nội cuối tuần chỉ vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng/buổi với vở diễn kéo dài hơn một giờ. Nhiệt huyết và đam mê với nghề, nhưng cơm áo gạo tiền cũng là một trở ngại với nghệ sĩ, nhất là những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Bởi vậy, nhà hát cũng tạo điều kiện cho anh em đi làm thêm bên ngoài.
“Người thì theo các nhóm hát văn, hầu đồng, người đi diễn hội nghị, dẫn đám cưới, đóng phim… Đó cũng là may mắn được thực hành nghệ thuật để nuôi nghề, giữ nghề”, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn ngậm ngùi.
Đỏ mắt kiếm tìm đội ngũ kế cận
Làm nghề đã khó, song với nghệ thuật truyền thống, việc đào tạo đội ngũ kế cận lại còn khó hơn nhiều lần. Bên cạnh tố chất trời phú, các bạn trẻ phải khổ công rèn luyện từ vũ điệu tới ca cổ. Đào tạo được một nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống vững vàng trên sân khấu mà chỉ có đam mê thôi chưa đủ. Bởi vậy, mai một trong diễn xướng, có thể nhận thấy ngay trong việc vắng dần những lứa nghệ sĩ trẻ.
NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, chia sẻ: “Trẻ hóa trong nghệ thuật là một sự thể bất khả kháng. Mặc dù đã tích cực tìm kiếm, huy động “đầu vào” nhưng để tìm được người hội đủ cả tâm huyết, tố chất thực không đơn giản”. Thực tế cho thấy, ca sĩ hát nhạc trẻ luôn có nhiều show diễn hơn, cát-xê nhiều hơn và có nhiều khán giả hơn các giọng ca tuồng, chèo, cải lương. Còn nhạc công nhạc cụ truyền thống thì theo các nhóm hát văn, hầu đồng thu nhập cao hơn so với tiền lương từ biên chế của đoàn nghệ thuật. Vì thế, tuyển được một diễn viên trẻ vào nhà hát đã mừng, nhưng làm sao giữ được họ, truyền cho họ tình yêu và đam mê với nghề thì quả thực không dễ. Đào tạo truyền nghề miễn phí, tạo điều kiện chỗ ăn, chỗ nghỉ và cơ hội để thực hành nghề…, là điều mà nhiều nhà hát truyền thống đang áp dụng.
Trở về sau cuộc thi tìm kiếm diễn viên trẻ của sân khấu truyền thống, NSND Lê Tiến Thọ trăn trở: “Sau vinh quang trở về với đời sống thường nhật, các em lại phải lao vào cuộc mưu sinh, bởi nhà hát không dựng vở mới nhiều, không thường xuyên đỏ đèn. Nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hiện tại thì ngay cả với những nghệ sĩ đã có danh hiệu cũng khó có thể chuyên tâm với nghề. Khi sân khấu truyền thống quá thưa vắng khách, việc có được nguồn thu để an tâm tái sáng tạo vẫn chỉ là trên lý thuyết… Khi phải làm những việc không thuần nghề như vậy, tài năng sẽ bị mai một”.
Sân khấu truyền thống khó là vậy nhưng với việc gìn giữ và trao truyền của nghệ thuật dân gian như quan họ, ca trù, hát xẩm… khó lại chồng khó. Khó của các nghệ nhân dân gian không chỉ ở kinh phí hoạt động, bởi lâu nay, việc thực hành di sản là nhu cầu tự thân trong cộng đồng. Khi xưa, các liền chị, liền anh cùng nhau hát trong các hội chùa, hội đình. Các họ, các nhà có việc mở tiệc ăn mừng đỗ đạt, thêm dâu, thêm cháu… cũng mở canh quan họ. Nhờ dòng chảy văn hóa tự thân của quan họ như vậy mà văn hóa đất Kinh Bắc lan tỏa mạnh mẽ. Ca trù khó khăn hơn bởi không gian thực hành di sản không còn nhiều và cũng giống như quan họ, các nghệ nhân - người lưu giữ tinh hoa di sản, đang ngày càng rơi rụng.
Luôn tự hào với sự phong phú, sâu sắc và đa dạng trong tính biểu đạt của nghệ thuật truyền thống, song khi nghệ sĩ không còn đủ điều kiện, tâm huyết để chuyên tâm với nghề; khi khán giả trẻ không có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và cảm nhận tinh hoa của nghệ thuật và ngay cả các nhà quản lý cũng chưa có được nhìn nhận đúng thì làm sao nghệ thuật truyền thống có thể bảo tồn và lưu giữ. Có nhà nghiên cứu văn hóa đã thốt lên đau xót rằng, bản sắc văn hóa là yếu tố tạo nên sự khác biệt, là “mã định danh” của các dân tộc; cần quyết liệt hơn nữa bởi có mà không giữ, mất thì tìm ở đâu?
Những ngày cuối tuần vừa qua, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, một người nặng lòng với ca trù, lại có thêm một khóa tập huấn dành cho đào kép, quan viên ở đình Hàng Kênh, Hải Phòng về âm luật, bài bản… cho đúng với chuẩn mực tiền nhân xưa. Đây là một trong những nỗ lực để bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản của cả người nghiên cứu lẫn những đào kép bởi kỹ thuật ngón nghề khó, người biết nghe ca trù ngày mỗi ít, cơ hội thực hành không nhiều nên bao người đã nản chí “bỏ cuộc chơi”. |