Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với 100% thành viên tán thành. Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 1-9-2022.
Trước đó, trong quá trình thảo luận, đã có nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến việc xử phạt hành vi vi phạm về việc ghi âm, ghi hình, livestream phiên tòa khi không được chủ tọa đồng ý.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, có ý kiến đề nghị rà soát quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng.
Bà Lê Thị Nga giải thích, về nội quy phiên tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định: “Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”.
Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”.
Để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, dự thảo Pháp lệnh đã chỉnh lý lại nội dung này. Cụ thể hoá mức phạt tiền từ 7 - 15 triệu đồng đối với hành vi “Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự". Mức phạt này thấp hơn so với dự thảo ban đầu quy định phạt 15 - 30 triệu đồng.
Dự thảo Pháp lệnh cũng quy định: “Nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí” sẽ bị xử phạt mức từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
“Pháp lệnh thiết kế xử phạt theo hành vi chứ không thiết kế theo chủ thể”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giải thích thêm và cho biết: “Không cứ nhà báo, người nào mang máy ghi âm, ghi hình, vi phạm nội quy phiên toà mà cản trở hoạt động tố tụng thì bị xử phạt”.
Giải trình rõ thêm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nói, rất nhiều người quan tâm đến việc ghi âm, ghi hình phiên tòa. "Lần họp trước, một số nhà báo có gọi điện cho tôi hỏi tại sao lại quy định không cho nhà báo ghi âm, ghi hình với livestream. Đó là quyền nhà báo để thông tin với công chúng. Tôi có giải thích là nhà báo có quyền như vậy, nhưng người tham gia phiên toà cũng có quyền rất thiêng liêng. Như, một người liên quan đến một vụ án hôn nhân, trước phiên tòa phải trình bày lý do tại sao ly hôn, tài sản có gì, tiền tài bao nhiêu và phân chia như thế nào mà livestream đưa hết lên mạng cho thế giới xem thì họ có đồng ý việc đó không?" - Chánh án TANDTC nói.
Trong vụ án hình sự cũng vậy, không chỉ có bị can, bị cáo - là những người bị hạn chế về quyền con người, tham gia vụ án hình sự còn có những người khác như người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan… cũng có quyền bảo vệ bí mật tài sản của họ. Hay như các vụ án xâm hại nhân thân, xâm hại nhân phẩm mà cũng ghi âm, ghi hình, livestream đưa hết lên mạng thì không được.
Người đứng đầu Toà án Nhân dân Tối cao khẳng định: "Đó là lý do vì sao pháp luật của chúng ta và pháp luật của tất cả các nước trên thế giới đều quy định chuyện này, xuất phát từ bảo vệ quyền con người", Chánh án TAND tối cao khẳng định.
Bên cạnh đó, khi tổ chức một phiên tòa thì mục tiêu tối thượng là hướng đến một bản án đúng pháp luật, công tâm. Cho nên nhiệm vụ của Hội đồng xét xử là phải toàn tâm, toàn ý cho việc đưa ra phán quyết, bảo đảm phán quyết công tâm, đúng luật.