Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình: Quy định giá trị để đỡ mất công giải quyết những việc lặt vặt

Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, luật pháp quốc tế quy định giá trị của tranh chấp để làm cho xã hội không phải mất công vào những chuyện lặt vặt.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên họp của Quốc hội, sáng 26-5-2023
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại phiên họp của Quốc hội, sáng 26-5-2023

Tham gia phát biểu về thủ tục rút gọn khi giải quyết tranh chấp về quyền lợi của người tiêu dùng, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rõ, Bộ luật Tố tụng dân sự không cấm các bộ luật khác quy định trình tự rút gọn và mở đường cho các bộ luật khác có thể quy định thủ tục rút gọn.

“Nghĩa là không chỉ Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà chúng ta đang bàn đây, mà các luật khác, nếu có thể, đều có thể áp dụng rút gọn”, Chánh án giải thích.

Đồng tình với ĐB Lê Xuân Thân và ĐB Nguyễn Thị Thủy phát biểu trước ông, rằng quy định “trần” vụ việc có thể giải quyết rút gọn không được quá 100 triệu đồng “không phải là bảo vệ người tiêu dùng mà hạn chế quyền của người tiêu dùng”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói rõ: “Nhận định như thế là đúng, có những việc giá trị trên 100 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng, nhưng rõ ràng, thỏa mãn Điều 37 (của Bộ luật Tố tụng dân sự - PV) thì vẫn có thể thủ tục rút gọn”.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, kinh nghiệm thế giới xử lý các vụ án có quy mô nhỏ về giá trị thì giải quyết rất đơn giản. Theo Chánh án, tất cả các tranh chấp dân sự ở Đức có giá trị dưới 5.000 Euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, vì nếu như giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xong lại quay lại sơ thẩm thì chi phí của xã hội cho giải quyết một vụ án có quy mô nhỏ này còn lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp. "Quy định giá trị của tranh chấp để làm cho xã hội không phải mất công vào những chuyện lặt vặt", ông nói.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình lưu ý thêm, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Việt Nam phải nội luật hóa nghĩa vụ của bên thua, tức là việc người tiêu dùng hay là trường hợp khác đi kiện mà thắng thì đương nhiên nhà sản xuất hay là nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường. Nhưng trong trường hợp người tiêu dùng đi kiện mà lại không đúng, lợi dụng việc đi kiện, làm mất uy tín của nhà sản xuất đứng đắn, nghiêm túc, gây thiệt hại cho nhà sản xuất thì pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng nghĩa vụ của bên thua.

“Đi kiện chưa có nghĩa người đi kiện là đúng, cho nên việc đưa lên mạng công khai (khi vụ việc chưa được xử lý - PV) thì cần phải cân nhắc lại, bởi vì liên quan đến quyền con người, quyền của doanh nghiệp, liên quan đến nghĩa vụ của bên thua.

Tin cùng chuyên mục