Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong lĩnh vực tư pháp, Bộ Chính trị đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết là 48 về xây dựng pháp luật, Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Hiện nay, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, chúng ta đang tổng kết 2 nghị quyết quan trọng này.
“Quá trình tổng kết đã khẳng định chúng ta đạt được rất nhiều thành tựu rất quan trọng về cải cách tư pháp và xây dựng pháp luật, đặc biệt là xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ, quan hệ quốc tế, bổ trợ tư pháp và nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp trên thực tế”, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Về vụ án Hồ Duy Hải, được rất nhiều ĐBQH quan tâm, người đứng đầu ngành Tòa án, đồng thời là chủ tọa phiên tòa xét xử tử tù Hồ Duy Hải theo thủ tục Giám đốc thẩm, tóm tắt lại toàn bộ quá trình xử lý vụ án kể từ khi xảy ra (năm 2008). Vụ án đã trải qua tố tụng nhiều cấp, đã được liên ngành thẩm định và Đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét.
“Câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không, tôi sẽ tập trung trả lời Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, có oan sai hay không. Đây là câu hỏi lớn mà ĐB và dư luận quan tâm”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Tóm tắt lại vụ việc và những chứng cứ quan trọng nhất để chứng minh Hồ Duy Hải thực sự đã phạm tội, Chánh án cho biết, cơ quan điều tra đã cho Hải mô tả hiện trường, và Hải mô tả chính xác những đồ vật có trong hiện trường, đặc biệt là những đồ vật trong phòng ngủ của nạn nhân Hồng. Các chi tiết trong lời khai về diễn biến hành vi của Hồ Duy Hải hoàn toàn khớp với dấu vết thu được tại hiện trường cũng như kết quả giám định pháp y.
Tương tự, về tài sản cướp được, lời khai của Hải khai cũng trùng khớp với lời khai của người thân, gia đình các nạn nhân (về nữ trang) và bưu điện (về tiền và sim card).
“Có một chi tiết rất đáng lưu ý, rất có giá trị chứng minh là Hải khai lấy của cô Hồng một dây chuyền có mặt, của cô Vân không có mặt. Kết quả khám nghiệm hiện trường thì mặt dây chuyền của cô Vân có ở hiện trường, nằm trong ngực áo của cô Vân”, Chánh án nói rõ.
Cơ quan điều tra đã yêu cầu Hải khai về việc tiêu thụ số tài sản này, Hải đã vẽ chính xác địa chỉ nơi bán vàng, nơi bán điện thoại. Các chi tiết về người bán hàng, giá cả và cách thức mua bán cũng trùng hợp với kết quả điều tra xác minh và thông tin mà cửa hàng cung cấp.
Phân tích nhiều chứng cứ khác, đặc biệt là về hung khí, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, mặc dù công tác dọn dẹp hiện trường (do 3 dân phòng tiến hành) đã có sơ suất trong việc không giữ lại đầy đủ hiện vật, nhưng Hải đã nhận diện đúng con dao hung khí, khớp với lời khai của dân phòng.
“Dư luận nói rằng mua dao ngoài chợ về để thay hung khí, nhưng trong hồ sơ vụ án không có cái nào mua dao là thay hung khí cả, mà là mua dao, thớt, vật tương tự để Hải và những người liên quan nhận diện xem có đúng là được sử dụng làm hung khí hay không. Khi để một loạt dao, Hải nhận diện đúng dao dùng để gây án. Vị trí giấu dao (kẹp sau bảng thông tin), Hải khai khớp với lời khai của dân phòng.
“Còn nhiều chứng cứ khác trong thời gian ngắn không thể nói hết được. Đối với Hồ Duy Hải, Hải có 25 lời khai nhận tội, lời khai nhận tội đầu tiên là do Hải tự viết ra, mà viết ra khá chi tiết, không phải là bản hỏi. Ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội. Khi nhận kết luận điều tra và cáo trạng, Hải đều công nhận là đúng. Sau các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, cũng như khi gửi đơn cho Chủ tịch nước, Hải đều không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ của Hải”, người đứng đầu ngành Tòa án cho biết và khẳng định, ĐBQH nào quan tâm, ông sẵn sàng phục vụ trao đổi, thông tin.