Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Hiện nay, hệ thống hình phạt chưa phù hợp, chưa phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, thủ tục tố tụng hình sự chưa thân thiện. Do vậy, Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành đối với người chưa thành niên.

Chiều 6-6, trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày tờ trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Theo Chánh án TAND Tối cao, việc xây dựng luật này nhằm khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành đối với người chưa thành niên. Bởi hiện nay, hệ thống hình phạt chưa phù hợp, một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao, thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện...

0f3e30a3a80d0853511c.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: QUANG PHÚC

Chánh án TAND Tối cao khẳng định, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên còn nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên. Đồng thời tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự án luật này nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời, tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

6fb427811628b676ef39.jpg
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp, chiều 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường cơ hội tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng cơ chế giám sát, giáo dục, phục hồi hiệu quả, chuyên nghiệp, phù hợp với người chưa thành niên.

1278fef2665cc6029f4d.jpg
Quốc hội làm việc phiên chiều 6-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chánh án TAND Tối cao cho biết, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Trong đó, dự thảo luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự.

2fac77b7461ee640bf0f.jpg
Chiều 6-6, ngoài nội dung xem xét các tờ trình, Quốc hội còn họp riêng bàn về công tác nhân sự. Ảnh: QUANG PHÚC

Về xây dựng chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt, dự thảo luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng. Trong đó, khuyến khích người chưa thành niên chấp hành tốt để được rút ngắn thời gian xử lý chuyển hướng trước thời hạn.

Dự thảo luật cũng quy định không được giam giữ chung người chưa thành niên với người đã thành niên; người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng.

Cán bộ quản giáo phải có trình độ, am hiểu về tâm sinh lý người chưa thành niên hoặc đã từng tham gia giải quyết các vụ việc liên quan người chưa thành niên.

Tin cùng chuyên mục