Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: Thẩm quyền xét xử đã thay đổi và còn thay đổi nhiều hơn nữa

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc đổi tên TAND cấp tỉnh, cấp huyện đi kèm với đổi thẩm quyền xét xử. Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Chánh án Toà án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình
Chánh án Toà án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình

Phản hồi ý kiến một số đại biểu về dự án Luật Tòa án (sửa đổi), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: “Báo cáo về dự án luật đã nêu rõ, thực tế đã đổi thẩm quyền, nhưng việc đổi thẩm quyền sẽ còn nhiều hơn nữa khi sửa các luật về tố tụng và các phân cấp của tòa án”.

Trước đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (đang diễn ra, dự kiến kéo dài đến ngày 28-3), cơ quan thẩm tra và một số đại biểu cho rằng việc sửa đổi tên gọi TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện thành TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm không thật sự cần thiết, vì thẩm quyền xét xử không thay đổi.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, xuyên suốt từ trước tới nay, các nghị quyết của Đảng đều nêu rõ tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử. “Luật không quy định tòa án cấp tỉnh làm cái này, cấp huyện làm cái kia, mà chỉ quy định tòa sơ thẩm, phúc thẩm… Bản án cũng không nói Tòa án Hà Nội làm cái này, Tòa án Ba Đình làm cái kia mà chỉ nói tòa sơ thẩm quyết định thế này, tòa phúc thẩm quyết định cái kia”, ông Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Vẫn theo Chánh án TAND Tối cao, tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì không có nước nào tổ chức tòa án cấp tỉnh, cấp huyện. Báo cáo về dự án luật, cơ quan soạn thảo đã nêu rõ đổi tên sẽ đổi cả thẩm quyền xét xử.

“Thực tế việc đổi thẩm quyền sẽ còn nhiều hơn nữa khi sửa các luật tố tụng và các phân cấp của tòa án. Chúng ta đã tiến một bước là phân công cho tòa cấp huyện xử đến 15 năm, nhưng không thể dừng lại mãi cấp huyện chỉ xử đến 15 năm. Một số vụ có yếu tố nước ngoài chuyển lên tòa cấp tỉnh, nhưng thực tế năng lực tòa cấp huyện, đặc biệt là tòa cấp quận của Hà Nội và TPHCM cũng có thể xử được”, ông Nguyễn Hòa Bình giải trình.

Người đứng đầu ngành tòa án đề nghị trình cả 2 phương án ra Quốc hội và quả quyết: “Nay chúng ta không làm thì tương lai con cháu chúng ta cũng phải làm, đây là xu hướng tiến bộ của thế giới. Không sửa bây giờ là để lỡ một cơ hội đổi mới triệt để hoạt động tòa án”.

Về quy định ghi âm ghi hình tại phiên tòa, Chánh án cho biết đã có sự điều chỉnh, nhưng quan điểm của cơ quan soạn thảo và thẩm tra chưa gặp nhau, sẽ tiếp tục bàn thêm. “Chúng tôi không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan truyền thông về vụ án, mà chỉ điều chỉnh trong phiên tòa xét xử. Ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, đó là việc của truyền thông, chúng tôi không ngăn cản, không điều chỉnh”, ông Nguyễn Hòa Bình “nói lại cho rõ”.

Lấy ví dụ vụ án ly hôn, Chánh án cho rằng, khi ra trước tòa, “chồng nói thế này, vợ nói thế kia, toàn bộ việc đó ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng sẽ rất phức tạp, xâm phạm đến quyền con người”. Đó là chưa kể, lúc xét xử, hoạt động ghi âm, ghi hình sẽ làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của phiên tòa, làm phân tâm các thành viên hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư…

“Tiếp thu ý kiến, chúng tôi quy định tòa án sẽ ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ, việc này được lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng các bản ghi âm, ghi hình đó phải bảo đảm quyền con người. Sau này viện kiểm sát giám sát thì kiểm tra trên kết quả ghi âm, ghi hình”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Tin cùng chuyên mục