Ngày 21-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Giải trình trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa, toàn diện các ý kiến nhằm xây dựng luật một cách tốt nhất.
Có nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đề nghị mở rộng độ tuổi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với người từ 12-14 tuổi.
Việc này, Chánh án TAND Tối cao cho rằng, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người dưới 14 tuổi phạm tội không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, độ tuổi được tính toán theo nguyên tắc có lợi nhất cho người chưa thành niên.
Về điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, dự thảo luật quy định điều kiện "phải tự nguyện". Chánh án TAND tối cao cho biết, mục tiêu của xử lý chuyển hướng là người chưa thành niên phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa.
Theo Chánh án TAND Tối cao, điều kiện tự nguyện là bắt buộc, còn nếu người chưa thành niên đứng trước 2 lựa chọn khi đã bị tình nghi phạm tội, hoặc đồng ý chuyển hướng, hoặc đồng ý điều tra, truy tố, xét xử.
"Luật cho các cháu lựa chọn, nhưng tôi tin cả phụ huynh và các cháu đều lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng. Nếu không tự nguyện sửa chữa theo cơ hội mà xã hội và luật pháp đưa ra, sẽ kích hoạt quy trình tố tụng về điều tra, truy tố, xét xử", Chánh án TAND giải trình.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị lấy ý kiến của người bị hại trong áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Về nội dung này, Chánh án TAND Tối cao cho biết, hiện xu thế xử lý chuyển hướng hạn chế việc tiếp xúc giữa nạn nhân và thủ phạm. Nếu tiếp xúc, nạn nhân có thể tiếp tục bị tổn thương. Bên cạnh đó, trong luật cũng dành cho nạn nhân, bị hại quyền khiếu nại khi thấy xử lý chuyển hướng chưa phù hợp hoặc đề nghị thay đổi biện pháp cho phù hợp.
Liên quan đến những ý kiến về việc tách án, Chánh án TAND Tối cao chỉ rõ, nếu không tách án sẽ vi phạm một loạt nguyên tắc nhân văn đã quy định trong dự thảo luật. Cụ thể, các nguyên tắc gồm thời gian tố tụng người chưa thành niên chỉ bằng 1/2 người lớn; điều tra, truy tố, xét xử trong môi trường thân thiện; cán bộ tố tụng được đào tạo...
Nhiều đại biểu băn khoăn về việc người chưa thành niên có thể phải ra tòa lần 2 với tư cách là người làm chứng. Theo Chánh án TAND Tối cao, nhân chứng không phải lúc nào cũng ra tòa. Bên cạnh đó, việc thẩm định công khai tại phiên tòa cũng được giải quyết theo hướng người chưa thành niên đã ra tòa rồi và toàn bộ bản án trước đó được mặc nhiên coi là tài liệu đã được thẩm tra.