Thư viện xóm Đảo của anh Nguyễn Văn Pháp (sinh năm 1980) là ngôi nhà nằm giữa mênh mông đồng ruộng. Thư viện có hơn 14.000 cuốn sách với nhiều thể loại được sắp xếp cả 2 tầng của căn nhà, chia làm các kệ sách lịch sử, văn học, kinh tế, ngoại ngữ và nhiều sách tham khảo, truyện tranh…dành cho tất cả các em học sinh cho đến sinh viên tìm đọc miễn phí trong cả tuần.
Tất cả nguồn sách này do anh Pháp tích lũy, một số ít từ bạn bè và người thân quyên tặng khi anh mở thư viện.
Vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, các em được đăng ký mượn đem về nhà và sau 7 ngày thì hoàn trả.
Anh Pháp cho biết, hiện công việc của anh ở Đà Nẵng, do vậy chỉ thứ bảy và chủ nhật anh mới trở về nhà và giúp học sinh mượn, trả sách. Các ngày trong tuần, học sinh đến đọc sách tự do và mẹ anh sẽ giúp anh sắp xếp. Số học sinh đến thư viện đã lên tới hơn 300 em.
Chia sẻ ý tưởng thư viện xóm Đảo, anh Pháp cho biết, bản thân anh là người thích đọc sách nên mong muốn nhiều học sinh vùng nông thôn có điều kiện tiếp xúc sớm với sách.
“Từ khi tôi còn học trung học, tôi thường đi mượn sách ở thư viện trường để về đọc nhưng nguồn sách cũng không nhiều và nhiều cuốn phải tìm thuê ở một số nơi khác. Lúc đi học đại học ở TPHCM, tôi đi làm thêm ở một nhà sách, dần dần cả công việc và học tập đều gắn bó với sách”, anh Pháp chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế Trường Kinh doanh Solvay (Bỉ), anh Pháp về làm việc tại TPHCM. Anh cũng thường xuyên về thăm nhà ở quê, mong muốn mở thư viện sách cho lũ trẻ ở quê cứ hiện lên trong tâm trí anh. Anh quyết định gom toàn bộ sách mà anh đã tích lũy trong nhiều năm để mang trở về quê.
Năm 2016, anh xây dựng căn nhà 2 tầng bên cạnh ngôi nhà cũ của cha mẹ, đến năm 2017 anh chuyển toàn bộ sách và sắp xếp thành phòng đọc trong căn nhà. Nơi đây được đặt tên là “thư viện xóm Đảo”, theo tên nơi anh đang ở. Cùng năm xây dựng căn nhà, anh Pháp đã tặng cho mỗi hộ dân ở xóm những chiếc xuồng phao để đi lại trong mùa lũ lụt hàng năm.
Bà Lê Thị Sơn, mẹ anh Pháp, kể: “Gọi là xóm Đảo vì vùng này có khoảng 15 căn nhà, xung quanh bốn phía đều là đồng ruộng. Về mùa lũ lụt, nước ngập sâu chia cắt đường lên tuyến xã như năm vừa qua nước lụt cao gần 1m”. Nhà bà Sơn quanh năm làm ruộng lúa, ngày xưa việc học hành của con cái rất khó khăn, sách vở thiếu thốn, nhìn thấy anh Pháp làm được thư viện miễn phí cho học trò nơi này, bà Sơn rất vui mừng.
Anh Pháp còn đầu tư 6 chiếc máy tính để bàn. Mùa hè năm ngoái, anh đã gọi vài sinh viên là người địa phương đang học ở xa về quê vào dịp nghỉ để dạy tin học cho các em học sinh, tuy nhiên vì tình hình dịch Covid-19 nên việc này đang tạm hoãn.
Anh Pháp chia sẻ: “Hy vọng năm nay học sinh địa phương có thể được học tin học, tôi mong muốn các em có thể tiếp xúc sớm với công nghệ để nhanh chóng phát triển kỹ năng”.
Hồi tháng 4-2020, anh Pháp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ gửi thư biểu dương vì đóng góp cho phát triển sự nghiệp thư viện tại địa phương.
Vào ngày 19-12-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tặng bằng khen cho anh Pháp vì đã có thành tích điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.