Chàng trai trẻ với dự án “Cho em”

Lớn lên trong tình thương của bà nội, thấu hiểu nỗi cơ cực, vất vả của tuổi thơ, Thạch Ngọc Hải đã sáng lập dự án “Cho em” với mong muốn hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường, đặc biệt là trẻ em ở vùng biên giới Tây Nam. Thạch Ngọc Hải là chàng trai trẻ nhất vừa vinh dự được nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2024 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Kết nối những tấm lòng thiện nguyện

Sinh năm 2002, Thạch Ngọc Hải (trú ở phường 6, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đang là sinh viên năm cuối ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Đồng Tháp. Tuổi thơ của chàng trai người dân tộc Khmer này tràn ngập buồn tủi. Khi mới 6 tháng tuổi thì ba mẹ ly hôn, Hải sống trong tình yêu thương của bà nội.

“Hai bà cháu em phải đi thuê nhà trọ. Bà đi làm giúp việc, phụ quán ăn để có tiền nuôi em ăn học. Thương bà, em đã tự lập từ năm học lớp 7. Lớn lên trong khó khăn nên em thấu hiểu và đồng cảm trước số phận của những trẻ em bất hạnh. Đó cũng là một lý do khiến em chọn học ngành Công tác xã hội”, Hải cho biết.

D1e.jpg
Anh Thạch Ngọc Hải và dự án “Cho em” trong chương trình Trạm 28 - Hành trình yêu thương 4. Ảnh: NVCC

Trong những năm đầu sinh viên, Hải tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của trường, đi về những vùng sâu vùng xa, biên giới để trao tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-2023, Hải đã vận động bạn bè sáng lập dự án “Cho em” với mong muốn kết nối những tấm lòng thiện nguyện của các nhà hảo tâm, đoàn viên, sinh viên để cùng hỗ trợ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, dân tộc thiểu số và khuyết tật về vật chất lẫn tinh thần.

“Dự án hy vọng đóng góp một phần công sức nhỏ cho cộng đồng và lan tỏa tinh thần tử tế đến với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Mỗi tháng, dự án tổ chức từ 1-3 chương trình tại vùng biên giới, vùng khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long”, Hải cho biết.

Lan tỏa “sứ giả nhân ái”

Mỗi chương trình thực hiện, Hải đều vận động được đông đảo tình nguyện viên trên cả nước tham gia và ủng hộ kinh phí. Điển hình như chiến dịch “9300” góp sữa cho trẻ em vùng cao ở tỉnh Lâm Đồng, góp được hơn 13.000 hộp sữa với tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng, trao tặng cho 250 em nhỏ dân tộc thiểu số. Ngoài ra, hơn 1.300 bài viết được đăng tải, thu hút 7 triệu lượt xem và tiếp cận trên các nền tảng mạng xã hội, lan tỏa về chiến dịch “9300” của dự án.

D5b.jpg
Anh Thạch Ngọc Hải tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NVCC

Dự án “Cho em” đặc biệt quan tâm đến giáo dục, bởi Hải không muốn em nhỏ nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể đến trường. Dự án đã xây dựng được 1 thư viện ở Trường Tiểu học Phú Hiệp 1 (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), hỗ trợ xây dựng 1 bếp ăn bán trú ở Trường Tiểu học Tà Nung (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dự án đồng hành cùng Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi xây dựng 5 tủ sách cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao với hơn 2.500 đầu sách; tổ chức 4 chương trình “Tiếp sức em đến trường vì em hiếu học” ở tỉnh Đồng Tháp và đã hỗ trợ 200 em kinh phí học tập, sách giáo khoa, dụng cụ học tập với tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng; tổ chức 2 chương trình “Đồng phục cho em” tặng đồng phục và quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu năm học mới với tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng.

Ông Hà Tấn Phi, giáo viên Trường Tiểu học Phú Hiệp 1, cho biết: Dự án “Cho em” tuy giá trị về vật chất không lớn nhưng về tinh thần rất ý nghĩa, giúp học sinh phấn khởi, yêu thích đến trường hơn. Các bạn đã về trường tôi được 5 lần nên mỗi lần khi nghe dự án về, học sinh rất vui mừng.

Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức các chương trình “Thương em vùng cao” cho 80 em nhỏ người dân tộc K’Ho có hoàn cảnh khó khăn ở thị trấn D’Ran (Lâm Đồng) với tổng kinh phí gần 50 triệu đồng; tổ chức chuỗi hoạt động “Hương xuân cho em” và “Hành trình yêu thương” ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ hơn 600 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng; tổ chức 4 chương trình trung thu “Đêm trăng yêu thương” ở các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Tam Nông (Đồng Tháp) hỗ trợ hơn 400 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.

Ngoài ra, dự án còn có các hoạt động thường xuyên như: sơn, sửa tường bị xuống cấp ở các trường học, nấu ăn cho em, vẽ sân chơi, tổ chức các workshop, chuyên đề kỹ năng sống để trẻ em vừa vui chơi vừa được trang bị những kỹ năng sống bổ ích; trao những phần quà như học bổng, xe đạp...

Tính đến nay, dự án “Cho em” đã tổ chức trên 40 chương trình thiện nguyện, hơn 3.000 em nhỏ được hỗ trợ; trong đó, 14 học sinh dân tộc thiểu số, 5 chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ được hỗ trợ lâu dài với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

“Đến nay, dự án đã thu hút hơn 2.000 bạn trẻ tham gia, có hơn 1.000 sứ giả nhân ái và lan tỏa đến các du học sinh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan… Mô hình hướng đến mục đích dù bạn là ai, giàu hay nghèo, già hay trẻ đều có thể lan tỏa tấm lòng tử tế, biết yêu thương và sẻ chia trong cuộc sống”, Hải cho biết.

Phó Chủ nhiệm Thường trực dự án “Cho em”, Nguyễn Đoàn Ngọc Diệu chia sẻ: “Khi được tham gia dự án “Cho em”, em cảm thấy rất hạnh phúc khi tận mắt chứng kiến những ánh mắt hồn nhiên, nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ. Em nhận ra rằng, chỉ cần một chút sẻ chia, một chút quan tâm từ chúng ta, cuộc sống của các em có thể trở nên tươi sáng và tràn đầy hy vọng hơn. Em cảm ơn anh Thạch Ngọc Hải đã khởi xướng một dự án nhân văn, ý nghĩa như thế này, để em và các bạn trẻ có thể cùng đồng hành, góp sức để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng”.

Với những việc làm thiện nguyện ý nghĩa của mình, Thạch Ngọc Hải đã được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng Giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2023; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Giải thưởng Tình nguyện quốc

Tác giả TRẦN VĂN VƯƠNG

Bình chọn bài viết

Bài viết mới