Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, anh Nguyễn Thái Hòa từ TPHCM trở về quê, trong khoảng thời gian cách ly tại nhà, anh Hòa đã nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ tre quê mình rất nhiều, người dân chặt bán với giá trị rất thấp, tôi muốn tận dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất mỹ nghệ, tăng giá trị của cây tre”. Trong đời sống người Việt Nam, tre rất gần gũi, có nhiều ý nghĩa và mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị.

"Khi bắt đầu làm những sản phẩm đơn giản từ tre như ghế, ly, chén… và đăng tải trên mạng xã hội thì được rất nhiều người ủng hộ nên tôi tiếp tục sáng tạo, gia công tạo thành tác phẩm độc đáo”, anh nói.

Tiếp đó là các mô hình tiểu cảnh guồng nước dân tộc, bộ xích đu, đồng hồ để bàn,… trong đó tiểu cảnh guồng nước dân tộc được anh Hòa dành rất nhiều thời gian, tâm huyết trong từng mô hình, diễn tả bức tranh lao động của người nông dân đang tát nước, cày ruộng, xay lúa…



Anh cho biết, khó nhất là công đoạn khoét lõi đòi hỏi sự khéo léo; những phần như nắp ấm, tay cầm, vòi nước... cũng được dùng từ những phần cành, rễ, nhánh của cây tre. Cũng bởi được chế tác từ phần gốc, rễ của cây tre nên các sản phẩm sẽ mang nét đẹp riêng biệt, độc đáo.

“Tre rất dễ bị mối mọt, mục nên trong quá trình làm gia công, tôi sẽ ngâm, phơi để cho tre bền, đồng thời sử dụng sơn ngoài để bảo vệ tre”, anh Hòa chia sẻ, ngoài kiếm thêm thu nhập từ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, anh mong muốn gia tăng giá trị kinh tế của cây tre.

Anh Dương Văn Hiếu, Bí thư Đoàn xã Tịnh Giang, cho biết: “Các sản phẩm thủ công của Hòa mang tính thân thiện với môi trường, có tiềm năng phát triển kinh tế, do vậy, đoàn xã cũng hỗ trợ đồng hành giúp đỡ quảng bá sản phẩm, nhất là các mô hình khởi nghiệp của thanh niên địa phương thông qua các hội chợ, sự kiện”.