Ở vùng đất xóm Ra Lung (thôn Đắk Lang, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) bên dòng hồ Đắk Đrinh và những cánh rừng nguyên sinh có một khu du lịch sinh thái do anh Nguyễn Tiến Dũng khởi nghiệp gọi là Dak Drinh Lodge.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, người bỏ phố lên rừng khởi nghiệp làm du lịch. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Để đến xóm Ra Lung, du khách có thể từ TP Quảng Ngãi di chuyển lên huyện Sơn Tây hơn 80km, sau đó đi xe máy vào xóm Ra Lung, nơi đây nằm giữa thung lũng của đại ngàn Trường Sơn Đông hùng vĩ, phía Bắc giáp xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) và phía Nam giáp thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum).
Khu du lịch Dak Drinh Lodge có quy mô 1,3ha trong đó các khu nhà sàn, khu nhà tập thể và khu cắm trại ngoài trời. Bên cạnh đó còn có các hoạt động trải nghiệm bên hồ Đắk Đrinh như chèo xuồng, đi thuyền, trải nghiệm đi bộ quanh những con đường mòn băng qua khe suối, tản bộ ven hồ hay đi trên ruộng bậc thang, vườn cau cao vút của người Ca Dong, thậm chí chinh phục khu rừng nguyên sinh rộng lớn.
Một homestay của anh Dũng hướng ra phía hồ Đắk Đrinh. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ ý tưởng làm du lịch trên núi, anh Dũng cho biết: “Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam và thế giới, làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, cũng từng tham gia các hoạt động cộng đồng của các tổ chức phi Chính phủ. Tôi nắm bắt được xu hướng du lịch trải nghiệm cộng đồng, mê xê dịch, nhưng đến với miền núi huyện Sơn Tây là một cái duyên”.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, việc tụ tập đông người bị hạn chế, anh xách lều đi tìm những vùng đất mới để cắm trại. Được sự giới thiệu của một người bạn, anh tìm đến hồ Đắk Đrinh ngay cạnh xóm Ra Lung, anh đã cắm trại suốt 3 ngày đêm, trò chuyện và tham gia sinh hoạt cùng người dân xóm Ra Lung. Anh Dũng "say mê" vẻ đẹp của hồ Đắk Đrinh, những cung đường uốn lượn của dãy Trường Sơn Đông và làn gió trong lành của những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.
Quang cảnh hoang sơ, hùng vĩ bên cạnh hồ Đắk Đrinh. Ảnh: NVCC |
“Sau chuyến đi này, tôi đã quyết định mua lại mảnh đất có ngôi nhà bỏ hoang của người dân và chuyển lên đây luôn. Tôi nảy ra ý định chia sẻ không gian sống với mọi người và tạo nguồn thu nhập cho bản thân, sau đó là giúp người dân trong xóm nâng cao thu nhập bằng cách mở homestay. Thế là ý tưởng Dak Drinh Lodge ra đời”, anh Dũng kể.
Để có một khu du lịch Dak Drinh Lodge, anh Dũng tự tay trồng cau, lim xanh, sao đen… và các loại cây ăn quả, anh cũng đào ao thả cá, nuôi gà trong vườn…
Năm 2021, khu du lịch mở cửa để đón những vị khách đầu tiên. Tuy nhiên, việc kéo khách lên rừng không dễ dàng.
Anh Dũng dựng những nhà sàn đầu tiên trên xóm Ra Lung. Ảnh: NVCC |
Anh cũng tự đào ao thả cá. Ảnh: NVCC |
Anh nói: “Khó khăn đầu tiên là đường giao thông, dù xóm Ra Lung chỉ cách trung tâm huyện Sơn Tây có 8km nhưng việc đi lại, vận chuyển gặp khó khăn, chi phí đội lên rất nhiều. Vào mùa mưa, đường bị sạt lở, xuống cấp, đất đá trên đường bị mưa xói mòn, còn xóm Ra Lung bị cô lập. Việc phát triển du lịch cần có sự thuận tiện giao thông, tuy nhiên đường vào xóm Ra Lung rất nhỏ, chỉ có thể di chuyển bằng xe máy”.
Huyện Sơn Tây vốn chưa phát triển về du lịch, thậm chí nhiều người dân ở huyện cũng không tin là có người lên đây để mở khu du lịch, nên kéo du khách lên rất khó khăn, kể cả về quảng bá xóm Ra Lung và du lịch sinh thái.
Người dân gói bánh trong nhà sàn ở xóm Ra Lung. Ảnh: NVCC |
Anh Dũng chia sẻ: “Xóm Ra Lung là xóm nhỏ với 100% người Ca Dong, vốn di cư từ dưới lòng hồ Đắk Đrinh lên, chỉ có 15 nóc nhà với hơn 50 người. Thu nhập của họ từ làm thuê và trồng keo, mì nên rất bấp bênh. Khi làm du lịch, tôi cũng mong muốn tạo ra mô hình thí điểm để người dân tận mắt thấy và đến một lúc nào đó, lượng khách ổn định thì sẽ kết hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành xây dựng một làng du lịch cộng đồng, tạo ra nguồn thu nhập từ các dịch vụ du lịch”.
Những dãy cau bạt ngàn của huyện Sơn Tây. Ảnh: NVCC |
Mở cửa đón khách từ năm 2021 nhưng anh Dũng chỉ dám nhận những đoàn khách nhỏ từ 10-15 người, bởi khả năng phục vụ và nhà sàn lưu trú chưa đủ đáp ứng. Anh nói: “Rất tiếc nhưng tôi phải từ chối những đoàn khách quá đông, vào các dịp lễ, nghỉ hè, có nhiều cơ sở, trường học, những đoàn từ 80-100 người muốn đến trải nghiệm du lịch núi rừng nhưng cơ sở dịch vụ của tôi không đáp ứng được”.
Anh Dũng (bên trái ngoài cùng) chụp ảnh cùng những du khách nước ngoài đến tham quan khu du lịch Dak Drinh Lodge. Ảnh: NVCC |
Theo anh Dũng, để phát triển du lịch bền vững cần thời gian rất dài, vài năm tới, khi mô hình du lịch cộng đồng của xóm Ra Lung phát triển thì mới có thể phục vụ nhiều người. Anh mong muốn những ngôi nhà trong xóm Ra Lung có thể làm homestay, một vài ngôi nhà tập trung nuôi gà, những người nhanh nhẹn trong làng có thể dẫn khách đi bộ vào rừng, giới thiệu văn hóa người Ca Dong.
Du khách trải nghiệm du lịch Dak Drinh Lodge. Ảnh: NVCC |
Vì chưa có dịch vụ nấu ăn cho du khách nên đôi khi anh Dũng kiêm luôn nội trợ. Ảnh: NVCC |
Hơn ai hết, anh Dũng mong muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa người Ca Dong, đó là phong tục tập quán lâu đời như dựng cây nêu vào dịp lễ, tết. “Mọi người trong làng tập hợp lại cùng nhau trang trí cây nêu, nấu bánh…”, anh Dũng nói.
Các nghi thức cúng bái như lễ cúng máng nước, lễ lúa mới,… vẫn còn được duy trì thường xuyên. Tục ăn trầu của người Ca Dong vẫn được duy trì đậm nét nhất trong các dân tộc ở Quảng Ngãi.
Người dân vui mừng khi anh Dũng hỗ trợ dựng nhà mới sau khi nhà cũ bị sập. Ảnh: NVCC |
Qua trải nghiệm du lịch cộng đồng, du khách lắng nghe câu chuyện về cội người của người Ca Dong trên vùng đất huyện Sơn Tây, từ đó, trao truyền thế hệ sau biết văn hóa, bản sắc dân tộc vùng miền.
Du khách chèo thuyền trên lòng hồ Đắk Đrinh. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ dự định, anh Dũng nói: “Trong năm tới, tôi sẽ mở một lớp học nhỏ để du khách có thể chơi và dạy văn hoá cho bọn trẻ trong xóm, mở một thư viện nho nhỏ cho trẻ em trong xóm đến đọc, dần dần nuôi dưỡng sự ham học. Về lâu dài, nếu điều kiện cho phép có thể phục dựng những đội văn nghệ, cồng chiêng phục vụ du khách như một số nơi ở Mai Châu, Tây Nguyên đang làm”.