Chàng trai khuyết tật viết phần mềm cho công ty Singapore

Anh Hoàng Quang Duy đã viết nên kỳ tích khi làm việc cho một công ty ở Singapore trên đôi chân bị teo tóp. Duy - một đại diện duy nhất ở Việt Nam, xuất sắc phụ trách thiết kế web cho khách hàng là những công ty danh tiếng không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở Nhật Bản và nhiều nước khác.

Những tưởng ước mơ vụt tắt

Duy sinh ra trong một gia đình có bố làm tài xế, mẹ bán tạp hóa. Là đứa con thứ hai trong gia đình 3 chị em, Duy luôn phấn đấu học hành và luôn ước mơ học kiến trúc hoặc công nghệ thông tin. Dù kinh tế không khá giả nhưng những loại sách cần thiết bổ túc kiến thức, bố mẹ đều dành dụm mua cho Duy để theo đuổi con chữ.

“Nhưng cứ lớn dần theo năm tháng, đôi chân của tôi lại bị teo cơ, hai cánh tay cũng yếu dần. Vào năm lớp 8 và lớp 9, khi đi giữa sân trường, tôi thường bị ngã mà không thể đứng dậy. Phải có bạn bè đỡ tôi mới có thể gắng gượng men theo hàng rào vào lớp. Các hoạt động thể dục, ngoại khóa tôi đều không thể tham gia vì bước đi không tự tin, không vững vàng”, Duy kể.

Gia đình và thầy cô động viên phải vượt qua, Duy nỗ lực gấp mười lần bình thường để các kỳ thi đều đạt học sinh giỏi. Rồi Duy cũng thi đỗ vào Trường THPT Đào Duy Từ danh giá của tỉnh Quảng Bình. Những tháng ngày học THPT đối với Duy là những ngày tháng rất khó khăn. Căn bệnh teo cơ chân cứ thế ngày một nặng, hành hạ đến mức Duy muốn tìm đến cái chết.

Hoàng Quang Duy cùng vợ và hai con nhỏ

Hoàng Quang Duy cùng vợ và hai con nhỏ

“Tôi đi học, bố mẹ phải chở vào tận cầu thang rồi nhờ bạn dìu lên. Khi mưa gió, thấy cảnh bố mẹ ướt đẫm vì mình, tôi nghĩ chắc bỏ cuộc. Năm cuối cấp 3, bạn bè bàn luận thi các trường đại học ưa thích, học được những ngành nghề tâm đắc, còn tôi ngồi buồn xo. Giờ ra chơi, đôi chân thỏng xuống bất lực, chỉ ước được một lần chạy dưới sân trường... Ngày ra trường, bạn bè mỗi đứa một nơi, thỏa chí thi cử rồi vào đại học, còn tôi, mọi cánh cửa đều đóng lại. Nghĩ căn bệnh quái ác đã đóng mọi cánh cửa đời mình, không cho tôi một cơ hội nào…”, Duy nhớ lại.

“Anh Duy là một ví dụ điển hình cho sự vượt lên số phận, không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Anh là niềm tự hào của gia đình và làng xóm”, ông Bùi Ngọc Quýt, Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông, cảm nhận về sự vươn lên của Duy.

Kỳ tích

Khi bạn bè nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Duy ở nhà xin bố được khám phá chiếc máy tính cũ kỹ mà bố thường truy cập đọc báo hàng ngày. Không để sự khuyết tật của đôi chân làm trở ngại, Duy lên mạng tìm kiếm kiến thức, bổ túc cho bản thân về lập trình. Từ đó, mày mò khám phá và bước vào một thế giới mới trên không gian mạng. Hàng ngày, Duy vào tìm lỗ hổng lập trình cơ bản của các trang web, báo lại cho chủ các trang đó sửa lỗi, thậm chí, hướng dẫn vá lỗi giúp họ. Cứ thế Duy tự mày mò học hỏi, tự thiết kế một trang web bán hàng, nhưng vì đôi chân không thể di chuyển nên trang web sau đó Duy nhượng cho một đơn vị khác để theo đuổi đam mê lập trình.

Năm 2011, Duy được một người anh họ tặng một số sách về thiết kế phần mềm, làm web hiện đại, cùng đó là các ngôn ngữ phần mềm phổ dụng của thế giới công nghệ thông tin. Duy đọc ngấu nghiến, thiếu tư liệu lại lên mạng mua về đọc. Đọc một hồi thì làm thành thạo, sử dụng tiếng Anh trôi chảy. “Tôi lên các trang mạng tìm việc của người khuyết tật. Thấy Công ty GenashtimB ở Singapore chuyên về phần mềm, dạy tiếng Anh, thiết kế web… rao tuyển dụng, tôi nộp đơn, phỏng vấn online. Yêu cầu rất cao nhưng may mắn vượt qua được kỳ thi tuyển, trở thành nhân viên công ty từ năm 2013. Tháng lương đầu tiên được hơn 2 triệu đồng, tôi mua tặng ba mẹ 2 bộ áo quần”, Duy kể.

Công việc đầu tiên là hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng của công ty ở khu vực Đông Nam Á, chủ yếu là hỗ trợ đối tượng khuyết tật toàn khu vực. Duy đã tự học và rèn luyện kỹ năng của mình qua các khóa học trực tuyến và các dự án thực tế để hỗ trợ người khuyết tật do công ty chỉ định. Từ sự cần cù, thông minh, Duy đã gây ấn tượng với lãnh đạo công ty bằng tài năng và sự chuyên nghiệp của mình nên được tín nhiệm cao.

“Tôi rất yêu công việc của mình. Tôi thấy mình có thể sáng tạo và góp phần vào những sản phẩm hữu ích cho xã hội. Tôi cũng rất biết ơn công ty đã tin tưởng và đánh giá cao bản thân để từ đó luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Duy chia sẻ.

Ấn tượng nhất là Duy được giao thiết kế cổng thông tin dành cho người khuyết tật toàn cầu mà tập đoàn phần mềm khổng lồ Microsoft (Hoa Kỳ) ký với công ty. “Vì là dự án lớn, tôi làm ngày làm đêm. Vượt tiến độ, không để lỗi, bảo hành suốt đời dự án nên được công ty vinh danh vào cuối năm 2016, tạo thêm niềm vui, động lực để tiếp tục đi tới chặng đường phía trước”, Duy nói.

Bây giờ, khi gặp những vấn đề khó về kỹ thuật, đồng nghiệp các nước trong khu vực Đông Nam Á đều chia sẻ với Duy. Những người mới vào, gặp những khó khăn kiến thức lập trình, Duy đều thức canh đêm trả lời một cách cần mẫn. Duy thổ lộ: “Bởi giúp đồng nghiệp họ sẽ tiến bộ, nguồn lực sẽ được bảo đảm, cả hai cùng có thêm kinh nghiệm nên tôi rất vui khi làm việc này, dù vất vả nhưng được kết nối”.

Vợ là đôi chân

Hoàng Quang Duy (sinh năm 1989, phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) có một gia đình hạnh phúc cùng vợ và hai cô con gái. Duy nói: “Vợ tôi là người bạn đời tuyệt vời. Cô ấy luôn bên cạnh và động viên tôi. Hai con tôi là niềm vui lớn nhất của cuộc đời. Tôi muốn dạy cho con cái biết yêu thương, quý trọng cuộc sống và không ngại khó khăn”.

Vợ Duy là cô gái cùng phường, đến với nhau với sự khâm phục và tôn trọng nhau. Phạm Thị Huyền kể: “Em đến với anh Duy vì thật lòng thương và phục cách anh ấy vượt qua khó khăn để kiếm việc trên môi trường internet bằng trí tuệ, tự rèn luyện, tự học. Vậy nên em đến với Duy, đó là một tấm lòng vô điều kiện”.

Duy sử dụng xe lăn để di chuyển, nhưng xuống giường, lên xe lăn, từ xe lăn vào ghế làm việc đều phải nhờ vợ cõng. Mỗi ngày cả mấy chục lần, nhưng Huyền không hề than vãn. Chị bán nước mía trước cổng Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới nhằm có thêm chút thu nhập phụ chồng nuôi con.

Tin cùng chuyên mục