Đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian
Nhớ lại cơ duyên đến với đam mê của mình, Phí Thành Phát kể: “Ngay từ nhỏ tôi thường đi theo ông bà đến cúng ở các đình, chùa, cơ sở tín ngưỡng. Từ đó nuôi dưỡng đam mê về văn hóa dân gian. Lớn lên, tôi được tiếp xúc với những người lớn tuổi, nghe kể nhiều câu chuyện xưa, càng yêu thích hơn về vùng đất mình đang sinh sống- vùng đất Trảng Bàng, nơi lưu dấu nhiều bước chân khai phá cổ xưa”.
Những năm học cấp 3, Phát bắt đầu đi ghi chép những câu chuyện văn hóa, lịch sử từ những người lớn tuổi. Phát nhớ lại những bước đường đi nghiên cứu đầu tiên: “Lúc đó đi tìm hiểu tư liệu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Khi hỏi về lịch sử, đình chùa, nhiều người bảo thằng này còn nhỏ, hỏi những chuyện này làm gì? Mày là ai mà hỏi những chuyện này? Khi đến những cơ sở tín ngưỡng chụp ảnh, người ta sợ mình lan tỏa bậy bạ, không cho chụp hoặc ảnh đã chụp xong, họ buộc phải xóa hết”.
Năm 2020, Phát có bài nghiên cứu cứu đầu tiên đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, nội dung viết về Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh. Lãnh nhuận bút được 500 ngàn đồng, anh đem về khoe và tặng bố mẹ số tiền đó. Mảng đề tài mà Phát dành nhiều tâm huyết nghiên cứu là văn hóa dân gian Tây Ninh, điển hình là nghệ thuật múa bóng rỗi. Anh đã dành thời gian ba năm nghiên cứu, điền dã, làm quen hầu hết với các nghệ nhân của môn bóng rỗi. Công lao của anh đã góp phần rất lớn vào việc loại bỏ định kiến về nghệ thuật diễn xướng dân gian này, giúp hồi sinh phần nào một nghệ thuật đã có từ thời Tây Ninh mở đất.
Tính đến nay, điền dã trẻ Phí Thành Phát đã có 5 bài nghiên cứu khoa học công bố tại các hội thảo khoa học quốc tế, 15 bài nghiên cứu công bố tại các hội thảo khoa học cấp quốc gia và hơn 100 bài viết đăng trên các sách, báo, tạp chí khác. Vừa qua, Nhà nghiên cứu trẻ này vinh dự được tham gia Ban biên soạn sách Tây Ninh đất và người - quyển sách biên khảo mọi lĩnh vực lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật Tây Ninh xưa và nay. Năm 2021, Phát được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tham gia sinh hoạt ở Chi hội văn nghệ dân gian. Năm 2022, Phát vinh dự được kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Lan tỏa đam mê
Những năm qua, Phí Thành Phát còn mang tình yêu văn hóa truyền thống của mình san sẻ với các bạn trẻ địa phương. Là cán bộ Đoàn của phường Gia Bình, thời gian qua Phát tổ chức thành công một số hoạt động về văn hóa dân gian, như Ngày hội văn hóa dân gian, trưng bày triển lãm dụng cụ nghề rèn truyền thống, tọa đàm văn hóa dân gian, múa bóng rỗi v.v…
Để lan tỏa rộng rãi hơn đến với công chúng, nhân dịp Tết trung thu năm 2022, Phát mạnh dạn tổ chức biểu diễn bóng rỗi trên sân khấu ở UBND phường Gia Bình. Đây là lần đầu tiên môn nghệ thuật dân gian thoát ra khỏi môi trường đình, miếu để đến với đoàn viên, thanh, thiếu niên và các tầng lớp nhân dân khác. Phát cho biết, nhiều người lớn tuổi xem xong, nói đây là ký ức một thời tuổi thơ. Ngày xưa xem bóng rỗi ở đình chùa, miếu nay được xem ở UBND phường. Đó là điều vui mừng của tôi, khi bước đầu thành công đưa bóng rỗi tiếp cận với công chúng. Sau đó, bóng rỗi còn được biểu diễn trong Đêm thơ Nguyên tiêu, biểu diễn ở Hội trường Tỉnh ủy nhân những sự kiện lớn của tỉnh.
Nhân dịp tổ chức Ngày Tây Ninh ở Hà Nội trong tháng 10-2023, Phát vinh dự được tỉnh Tây Ninh tạo điều kiện cho dẫn đoàn nghệ thuật bóng rỗi đi biểu diễn ở Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên bóng rỗi biểu diễn trên đất Bắc, được đông đảo công chúng đón xem.
Không chỉ dừng lại ở môn bóng rỗi, Phát còn nghiên cứu một số nghệ thuật dân gian khác. Vào dịp Hè vừa qua, Phát tổ chức lớp Đồng ấu ở xã Gia Bình để truyền dạy đờn ca tài tử cho các em thiếu nhi. Lúc đầu anh nghĩ môn nghệ thuật này sẽ khó đối với các em thiếu nhi, nhưng khi khai giảng, có gần 40 trẻ em theo học. Không chỉ nhờ các nghệ nhân dạy các em hát mà còn chú trọng dạy lý thuyết để giúp các em hiểu thế nào là đờn ca tài tử, nhạc lý của môn nghệ thuật này. Tổng kết lớp học, hầu hết học viên đều hát được những bài cơ bản, trong đó có 6 em nắm vững kiến thức và hát được đờn ca tài tử. Từ những thành công kể trên, Phát cho biết, trong tương lai, anh còn nghiên cứu rộng hơn về lịch sử, văn hóa, phật giáo ở Tây Ninh.
Ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Tây Ninh nhận xét: Phát xứng đáng được xem là một nhà nghiên cứu trẻ của tỉnh, ngay từ khi đọc bài viết của Phát đăng trên sách Tây Ninh đất và người, tôi không thể ngờ, một người 22 tuổi mà viết được những bài chuyên khảo sâu sắc như thế. Sau đó, tôi được biết thêm, Phát từng tham gia một số hội nghị, hội thảo quốc tế, có sự tham gia của một số nhà nghiên cứu nước ngoài, tôi lại càng kính phục. Bạn ấy có năng lượng, có niềm say mê lớn, có tình yêu quê hương đất nước, tình yêu xứ Trảng Bàng, Tây Ninh. Tôi hoàn toàn tin cậy Phí Thành Phát sẽ là nhà nghiên cứu xuất sắc của Tây Ninh trong tương lai.