Chàng shipper dịch sách

Nhiều người nói Huỳnh Hữu Phước (25 tuổi) “ăn may” khi bất ngờ nổi tiếng sau chương trình giao lưu với nhà văn Marc Levy. Nhưng với dịch phẩm Con gái (NXB Phụ nữ Việt Nam) vừa được ra mắt mà Phước là người chuyển ngữ, cho thấy anh đã phải nỗ lực rất nhiều.

Cơ hội “vàng”

Vào tháng 11 năm ngoái, nhà văn người Pháp Marc Levy có chương trình giao lưu với độc giả tại Đường sách TPHCM. Lúc đó, Huỳnh Hữu Phước đang làm shipper, vốn yêu thích Marc Levy nên khi hay tin, anh đã tắt app rồi vào dự. Đến phần giao lưu, Phước đặt câu hỏi cho nhà văn bằng tiếng Pháp, không ngờ sau đó video cảnh giao lưu này đã lan tỏa trên mạng xã hội.

Cùng với việc “nổi tiếng”, hoàn cảnh của Phước cũng được nhiều người biết đến: đậu khoa Tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TPHCM không lâu thì cha mẹ ly tán, ngôi nhà không còn, Phước phải đi ở trọ. Vì gánh nặng tài chính, Phước đành gác lại giấc mơ học hành, chuyển sang làm shipper.

Sau khi video nói tiếng Pháp được chia sẻ trên mạng xã hội, nhờ những tấm lòng ở khắp mọi nơi, Huỳnh Hữu Phước trở lại trường đại học để hoàn thành chương trình học mà anh luôn mong ước. Hiện tại, Phước đang học năm thứ 3, học song song khoa Tiếng Pháp và Địa lý của ĐH Sư phạm TPHCM. Ngoài tiếng Pháp, anh còn biết thêm tiếng Anh, tiếng Hoa và đang trong quá trình tự học tiếng Nhật. Mong ước của Phước sau khi học xong là có điều kiện để sang Pháp du học ngành Văn học Pháp.

Huỳnh Hữu Phước và dịch phẩm "Con gái" vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành

Huỳnh Hữu Phước và dịch phẩm "Con gái" vừa được NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành

“Tình yêu với văn chương, nhất là văn chương Pháp có từ thời tôi còn học tiểu học. Trong nhà có dì là thủ thư, thường đem sách về nên tôi đã tự rèn luyện thói quen đọc sách và tìm niềm vui từ sách. Tôi đọc và rất yêu thích văn học Pháp. Hai nhà văn đương đại của Pháp mà tôi yêu thích là Marc Levy và Guillaume Musso”, Phước kể.

Theo chia sẻ của Huỳnh Hữu Phước, cơ hội dịch tác phẩm của nhà văn Camille Laurens đến với anh vào cuối năm 2021, trước cả khi có chương trình giao lưu của nhà văn Marc Levy tại Đường sách TPHCM. Thời điểm đó, Phước vừa trở về từ bệnh viện dã chiến do mắc Covid-19, anh gặp khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất.

Ngày nọ, người bạn từ Đà Nẵng nhắn tin cho Phước: “Có một tác phẩm đang cần người dịch, em có muốn thử sức không?”. Ban đầu, Phước có phần tự ti nên chưa dám nhận lời. “Với vốn tiếng Pháp lúc đó, tôi có thể đọc và hiểu tác phẩm, nhưng để chuyển ngữ thì khó vì tác giả vận dụng kỹ thuật viết cũng như kiến thức về ngôn ngữ học tương đối nhiều. Nhưng người bạn tiếp tục động viên: Em cứ thử sức đi, chị sẽ hiệu đính những gì chưa hợp lý. Mình đặt tâm ý vào tác phẩm. Nhờ sự tiếp sức này mà tôi mới quyết định nhận lời”, Phước chia sẻ.

Vừa làm shipper vừa tranh thủ dịch sách

Ngày cầm trên tay dịch phẩm Con gái, Huỳnh Hữu Phước vui và xúc động. Anh bày tỏ: “Tôi từng nghĩ đến một dịch phẩm nào đó do mình đứng tên chuyển ngữ, nhưng không nghĩ niềm vui lại lớn như vậy. Khi cầm trên tay tác phẩm Con gái, tôi cảm giác giống như một đứa trẻ vừa nhận được quà”.

Tiếp cận nguyên tác từ tháng 12-2021, nhưng phải 8 tháng sau, Phước mới hoàn tất công việc chuyển ngữ. Sở dĩ phải lâu như vậy vì thời gian đó, anh vừa chạy xe vừa dịch sách. Phước kể, ban ngày anh mang theo một cuốn sổ cùng bản in nguyên tác, tranh thủ lúc nghỉ trưa, hay những lúc không có khách, anh tấp xe vào một cư xá hay gốc cây nào đó rồi dịch thô, tối về nhà dịch lại cho mượt mà hơn.

Hỏi về thách thức trong lần đầu tiên dịch sách, Phước cho biết: “Khó khăn nhất trong quá trình dịch Con gái là những kiểu chơi chữ hoặc những thành ngữ Pháp mà tác giả hay dùng. Có những thành ngữ có thể tìm thành ngữ tiếng Việt tương đương, nhưng có những thành ngữ không có, tôi phải chú giải”.

Một biên tập viên của NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết, Con gái của Camille Laurens tuy mỏng nhưng không dễ dịch. Trong sách, tác giả dùng cách chơi chữ đồng âm trong tiếng Pháp và một số từ về cơ quan sinh dục. Điều này yêu cầu dịch giả giỏi tiếng Pháp và có vốn từ vựng tiếng Việt để khi dịch câu văn vừa thuần Việt vừa đảm bảo truyền đạt đúng thông điệp của tác giả.

“Khi nhận được bản dịch và trong suốt quá trình biên tập, chúng tôi nhận thấy Huỳnh Hữu Phước (người dịch chính) đã nỗ lực hết sức để đảm bảo các yếu tố trên, giúp bản dịch trở nên trôi chảy và thông suốt”, biên tập viên này cho biết.

“Dịch thuật là đam mê nên chắc chắn tôi sẽ theo đuổi nó. Có điều sống được bằng nghề dịch không phải dễ dàng nên tôi sẽ cố gắng ổn định kinh tế để có thể theo đuổi đam mê dịch thuật. Chỉ khi dịch bằng đam mê, người dịch mới có sự trăn trở để tìm những chữ hay, tâm đắc mà vẫn giữ được văn phong của tác giả, giúp tác phẩm hay hơn”, Huỳnh Hữu Phước chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục