Hơn 20 năm qua, mặc dù Bộ GTVT và nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TPHCM triển khai rất nhiều giải pháp lập lại trật tự vận tải trong nội thành, xử lý tình trạng xe hợp đồng biến tướng, thế nhưng cho đến nay vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thực tế này đã được phản ánh trong bài “Biến tướng xe hợp đồng” đăng trên báo SGGP ngày 21-9-2020. Phải chăng việc này quá tầm tay của ngành chức năng?
Theo pháp luật về hoạt động GTVT mà cụ thể nhất, mới nhất là Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô có hiệu lực từ 1-4-2020, tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách và cả xe trung chuyển đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thiết bị này phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đảm bảo tình trạng hoạt động tốt trong thời gian xe lưu thông. Thiết bị giám sát hành trình phải lưu trữ, truyền thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Cũng theo nghị định trên, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng hoặc vận tải hành khách theo hợp đồng du lịch, trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
Như vậy có thể nói, Sở GTVT các địa phương và Tổng cục Đường bộ Việt Nam là những đơn vị biết trước hết về lộ trình đưa đón khách của các đơn vị vận tải. Những đơn vị nào cố tình lập lờ giữa việc đưa đón khách theo hợp đồng và đưa đón khách theo tuyến cố định, các cơ quan này biết ngay.
Trên thực tế, ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, việc gắn camera giám sát giao thông đã được triển khai ở hầu hết các tuyến đường, tuyến phố trọng điểm, nhất là những tuyến thường diễn ra hoạt động phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thông tin thu thập được từ các camera này cùng thông tin ghi nhận được từ hoạt động giao thông mà theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP “sẽ được sử dụng trong quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát Giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) để thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, an ninh, thuế…”, là kho bằng chứng khổng lồ để cơ quan chức năng khai thác, thu thập bằng chứng, xử lý các xe chạy hợp đồng biến tướng, nhất là khi cảnh sát giao thông đã được phép phạt nguội các hành vi vi phạm trật tự giao thông.
Cũng phải nói, trước đây Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (được thay thế bằng Nghị định 10/2020/NĐ-CP nêu trên) cũng quy định xe kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng có thể giám sát và quản lý.
Như vậy, chẳng có gì quá tầm tay! Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để các cơ quan chức năng có thể thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất. Chỉ với một cú “click chuột” chuyển dữ liệu giữa Tổng cục Đường bộ, sở GTVT các địa phương và các cơ quan quản lý tại địa bàn… là cơ quan chức năng có đầy đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định xử phạt đúng theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, với các quy định pháp luật đã khá đầy đủ như vậy tại sao xe hợp đồng biến tướng vẫn còn đất sống? Phải chăng do các cơ quan chức năng vẫn chưa có cơ chế phối hợp tốt, đồng bộ? Chính vì vậy, dư luận không khỏi đặt câu hỏi, lẽ nào chúng ta phải bó tay trước thực trạng này?